Nhưng "nặng hơn cầm phấn" chính là sức nặng chữ nghĩa của của một đội ngũ cầm bút tài hoa vốn được đào tạo để làm người thầy - người cầm phấn - từ thuở ban đầu khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế.
Đó là những tên tuổi lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam: Ngô Kha, Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Quang Long, Trần Thùy Mai, Vĩnh Quyền...
Và còn nữa: Trần Duy Phiên, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Hữu Lục, Trần Kiêm Đoàn, Quế Hương, Lê Nhược Thủy, Nguyễn Văn Dũng, Trần Hoàng Phố, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Xuân An, Hồ Sĩ Bình...
Thật không ngờ, có đến hơn 30 nhà văn, nhà thơ như thế, đều là cựu sinh viên của ban Việt văn - Việt Hán, tên gọi ban đầu của khoa văn Trường đại học Sư phạm Huế khi mới thành lập vào năm 1957.
"Một khoa văn của Trường đại học Sư phạm Huế thuở đó, mỗi năm chỉ có hơn mươi người tốt nghiệp, sao có thể sản sinh ra nhiều nhà văn như thế, chẳng khác gì một trường viết văn?" (trích lời mở đầu cuốn sách). Có thể xem đó là một hiện tượng độc đáo của văn chương Việt Nam.
Vì vậy, một nhóm giảng viên quyết định nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách này để "khẳng định và xác lập một cách rõ ràng bằng chứng lý khoa học" về giá trị của lớp nhà văn cùng học trên một giảng đường.
Nặng hơn cầm phấn trình bày những nhận định, đánh giá về thơ văn của 23 tác giả tốt nghiệp ban Việt văn - Việt Hán Trường đại học Sư phạm Huế từ khóa tuyển sinh đầu tiên cho đến năm 1975. Nhan đề cuốn sách ra đời từ lời tâm sự của nhà văn Quế Hương - tác giả của 13 tập truyện, đồng thời là cựu sinh viên niên khóa 1969 - 1971 của khoa văn này.
"Vì yếu mà nghỉ dạy. Bỏ phấn cầm bút không ngờ bút còn nặng hơn phấn...". Nhóm biên soạn (do PGS.TS Bửu Nam và TS Tịnh Thy chủ biên) cho biết ví von như thế không phải để so sánh nghề này và nghề kia, nghiệp này và nghiệp khác, mà để nói đến sức nặng của trách nhiệm nhà văn và tác động của văn chương với đời sống thật khó lòng đo đếm được.
Cuốn sách này còn mang một nghĩa nặng hiếm hoi khác, từ đối tượng nghiên cứu là các "nhà văn xuất thân cầm phấn" cho đến nhóm tác giả, họa sĩ thiết kế bìa, người sửa bản in, người đọc thẩm định khoa học và viết lời bạt, người biên tập của NXB Hội Nhà Văn... đều là cựu sinh viên của khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế.
Vì lẽ đó, Nặng hơn cầm phấn quả là một cuốn sách "nặng chữ, nặng nghĩa, nặng tình", như lời bạt của TS Nguyễn Văn Thuấn.
Công trình nghiên cứu Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa của Woodside tập trung vào giai đoạn đầu của triều Nguyễn, từ thời Gia Long đến thời Thiệu Trị (1802 - 1847).
Xem thêm: mth.16532459031503202-nahp-noh-gnan-noc-tub-ogn-gnohk/nv.ertiout