Gửi đến chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online, chị N.V. chia sẻ mình bị lạc nội mạc tử cung. Mỗi khi tới chu kỳ kinh mới, chị V. đau bụng rất nhiều. Thỉnh thoảng ngày thường chị V. có đau thêm vùng chậu, đau khi quan hệ hoặc đi tiểu...
Đi khám tại bệnh viện địa phương, chị V. được kê thuốc tránh thai hằng ngày về uống. Chị V. thắc mắc uống thuốc tránh thai có chữa được bệnh lý lạc nội mạc tử cung không?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhu - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho hay lạc nội mạc tử cung là bệnh lý mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người có bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
Đau là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lý này. Kiểu đau của mỗi bệnh nhân có thể không giống nhau, tùy thuộc vào vùng bị ảnh hưởng, có thể gặp phải đau vùng chậu mạn tính, đau khi giao hợp hoặc đau đường tiểu, đặc biệt là đau theo chu kỳ kinh với các triệu chứng như đau bụng kinh, cảm giác trằn bụng khó chịu... Ngoài ra bệnh lý này có thể gây rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn, vô sinh.
Về nguyên nhân, bác sĩ Nhu cho hay lạc nội mạc tử cung là hậu quả máu kinh chứa các tế bào nội mạc tử cung bị trào ngược từ lòng tử cung qua ống dẫn trứng vào khoang phúc mạc chậu, tạo "cơ hội" cho các tế bào này cấy vào và phát triển ở các vị trí lạc chỗ tại bề mặt phúc mạc chậu và thanh mạc tạng của một số cơ quan gần đó, như buồng trứng, tử cung, vòi trứng.
Do đó phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nên có thai sớm vì có thể bị hiếm muộn, vô sinh.
Về việc phẫu thuật đối với bệnh nhân có lạc nội mạc tử cung có thể giúp gỡ dính, bóc khối lạc nội mạc nhưng cũng có bất lợi là làm cho dự trữ buồng trứng bị suy giảm.
Sau phẫu thuật, tỉ lệ tái phát cao, suy giảm dự trữ buồng trứng là điều chắc chắn nên luôn phải cân nhắc khi phải quyết định phẫu thuật.
Điều trị nội khoa là ưu tiên giải quyết triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung. Hiện có nhiều phương án điều trị nội khoa, trong đó có viên thuốc ngừa thai hằng ngày.
Việc chỉ định thuốc phải tùy thuộc vào nhu cầu từng cá nhân, có mong con hay không.
Thay đổi lối sống giúp "trị" lạc nội mạc tử cung
Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp ích cho người mắc bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Cụ thể:
- Ăn uống lành mạnh: nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bệnh lý lạc nội mạc tử cung với một chế độ ăn ít rau quả và nhiều thịt đỏ.
Người bệnh được khuyến cáo ăn chế độ nhiều rau củ quả và trái cây. Ngược lại, ăn nhiều chất béo no (trans fat) làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung. Người bệnh cũng cần tránh thức uống chứa cồn và caffeine.
- Tập thể dục đều đặn: tập thể dục giúp bơm máu đến tất cả các cơ quan, cải thiện tuần hoàn, giúp các chất dinh dưỡng và oxy lưu thông đến tất cả các hệ thống của bạn. Phụ nữ tập thể dục giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung theo thời gian cũng như giúp giảm căng thẳng, có thể giúp giảm đau.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).
Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Căn bệnh lạc nội mạc tử cung thành bụng, khối nội mạc tử cung không chỉ chu du trong vùng chậu, trên đường tiêu hóa, tiết niệu mà cả phổi và não...
Xem thêm: mth.68115015131503202-gnuc-ut-cam-ion-cal-od-noc-oc-ohk-gnaht-ned-ihk-gnub-uad/nv.ertiout