Chị N.T.Anh Thư (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết từng ôm cục tức vì ham sách lậu giá rẻ trên TikTok. Chị mua 2 quyển sách trên nền tảng TikTok với giá 128.000 đồng, trong khi giá niêm yết của nhà xuất bản là 358.000 đồng.
"Lúc đó vì tưởng mua được giá hời nên tôi không nghĩ nhiều. Nhận sách về, tôi rất thất vọng vì chất lượng không như mong đợi, giấy ngã vàng, màu mực không đồng nhất... Bằng mắt thường, tôi có thể nhìn thấy bìa sách bị in lệch sang một bên, trông rất cẩu thả", chị Thư nói.
Mua phải sách xấu, cẩu thả
Để làm rõ sự việc, chị Thư đến nhà sách tìm và đối chiếu với những quyển sách chính hãng. Nhận thấy sự khác nhau rõ rệt giữa sách thật và sách lậu, chị bức xúc và tự trách bản thân vô tình tiếp tay cho sách lậu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Lập - phó phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) - cho biết chính ông cũng mua phải sách giả trên TikTok. Trong quá trình khảo sát thị trường sách trên TikTok, ông thử đặt mua và ngỡ ngàng với chất lượng sách nhận được.
Khi được hỏi kỹ hơn về tình trạng sách, ông Lập cung cấp một vài hình ảnh được chính ông chụp lại. Có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa sách do Saigon Books ấn hành và sách được ông đặt mua trên TikTok.
Trên nền tảng này, có những gian hàng livestream với lời quảng cáo "xả kho sách chính hãng", "bộ 10 quyển sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh giá 896.000 đồng nhưng xả tri ân chỉ còn 490.000 đồng"…
Thông thường, từ 19h đến 22h mỗi ngày, những tài khoản này thực hiện livestream bán sách với nhiều ưu đãi được giới thiệu là chỉ có trong khung giờ vàng giảm giá.
Các gian hàng bán sách giả ngang nhiên chạy quảng cáo, bán sách hạ giá lên đến 50%, thậm chí 70%.
Đặc biệt, ngoài việc rao bán riêng lẻ từng cuốn, người bán còn đánh vào tâm lý khách hàng bằng cách tạo ra những combo - kết hợp nhiều quyển sách khác nhau chỉ trong một lần mua.
Chiêu này khiến khách hàng mua nhiều sách hơn vì thấy rẻ và lợi hơn so với mua từng cuốn. Để chọn mua, họ bình luận trực tiếp trên phiên livestream. Người bán sẽ tạo và ghim sách vào giỏ hàng. Sau đó, bằng một vài thao tác đơn giản, người dùng đã hoàn thành giao dịch.
Theo dõi một livestream bán sách, phóng viên Tuổi Trẻ Online gõ câu hỏi về chất lượng giấy in và màu mực.
Trên livestream, giọng một người đàn ông trả lời: “Mọi người cứ yên tâm về chất lượng sách. Ai quan tâm quyển nào cứ bình luận, em sẽ lật cho xem ngay bây giờ, giấy in rất dày, mực rõ nét, bìa đóng cẩn thận và 1 đổi 1 nếu có lỗi”. Vừa nói, người này vừa lật một quyển sách ra để chứng minh trong khoảng chưa đến 15 giây.
Công ty sách đau đầu vì sách lậu TikTok
Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books là đơn vị chịu trách nhiệm phát hành quyển sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi (tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Đây là một trong hai quyển sách giả mà chị Anh Thư đã mua trên TikTok.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Lập, phó phòng Kinh doanh Saigon Books cho biết, ông rất xót xa khi nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình bị làm giả một cách trắng trợn. Vì nó là chất xám, là công sức, là tình cảm của một tập thể lao động vất vả.
“Sách giả, sách lậu tràn lan trên TikTok là vấn đề mới, rất đau đầu của ngành xuất bản. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế, tình trạng làm giả sách còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà xuất bản trong mắt khách hàng khi họ lầm tưởng đó là sách thật” - đại diện phía Saigon Books nói thêm.
Thời gian tới, đơn vị này sẽ công bố thêm những hình ảnh, video clip phân biệt sách thật và sách trên giả các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok để cảnh báo người đọc.
Với những chiêu trò quảng cáo bài bản trên TikTok, sách giả - sách lậu sẽ tiếp tục gây hại cho các công ty sách, nhà xuất bản và làm ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
UBND TP.HCM vừa phê quyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục tại TP.HCM ở bậc tiểu học, THCS và THPT từ năm học 2023 - 2024.
Xem thêm: mth.6435332121503202-kotkit-nert-nal-nart-aig-hcas-ual-hcas/nv.ertiout