Ngày 12-5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu áp dụng sự thay đổi chính sách sâu rộng tại biên giới Mỹ - Mexico.
Theo đó, điều khoản từng cho phép trục xuất nhanh chóng nhiều người di cư có từ thời đại dịch COVID-19 đã hết hiệu lực và các biện pháp hạn chế tị nạn nghiêm ngặt hơn bắt đầu được áp dụng.
"Hậu quả nghiêm trọng hơn"
Các thành phố dọc theo biên giới Mỹ - Mexico đã sẵn sàng đối phó làn sóng di dân vượt biên có khả năng kéo dài nhiều tuần khi Điều khoản 42 (Title 42) hết hạn. Đây là chính sách được áp dụng trong đại dịch COVID-19, cho phép lực lượng chức năng Mỹ trục xuất người di cư nhanh chóng.
Trong hơn ba năm qua, với lý do phòng COVID-19, lực lượng biên phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden đã viện dẫn Điều khoản 42 để trục xuất hàng trăm ngàn người di cư trở về Mexico hoặc quê hương họ.
Tuy nhiên, Điều khoản 42 hết hạn lúc 23h59 ngày 11-5 (giờ Mỹ) khi tình trạng khẩn cấp y tế do COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã được gỡ bỏ. Từ nay Mỹ sẽ xử lý tất cả những người di cư vượt biên theo luật nhập cư thông thường, được gọi là Điều khoản 8.
Trong khi Điều khoản 42 hầu như không đi kèm hậu quả pháp lý nào với những người vượt biên thì Điều khoản 8 được xem là nghiêm khắc hơn nhiều. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cảnh báo việc áp dụng lại Điều khoản 8 sẽ mang tới hậu quả "nghiêm trọng hơn" cho các di dân vượt biên.
Trong những tháng gần đây, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng những người di cư bị bắt theo Điều khoản 8 có thể phải đối mặt với quy trình trục xuất nhanh và bị cấm tái nhập cảnh trong ít nhất năm năm.
Thời hạn chót 23h59 hôm 11-5 của Điều khoản 42 đã dẫn tới cuộc chạy đua tuyệt vọng với thời gian của nhiều người di cư khát khao "chạm tay" vào giấc mơ Mỹ.
Tổng thống Biden cảnh báo biên giới Mỹ - Mexico có thể sẽ "hỗn loạn trong một thời gian" và chính quyền đã điều hơn 1.500 binh sĩ tới hỗ trợ lực lượng biên phòng ổn định tình hình.
Tối 11-5 Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ cũng cho biết đã điều động 24.000 nhân viên và lực lượng tuần tra biên giới tới vùng biên.
Chưa đến mức hỗn loạn
Trong những năm qua, các chính sách quản lý di dân của Mỹ đã khiến ngày càng nhiều người di cư phải chờ đợi ở bên kia biên giới thuộc Mexico và đối mặt với nguy cơ bạo lực, tống tiền, cướp bóc từ các băng đảng.
Các thành phố như Ciudad Juárez (Mexico) trước đây vốn là điểm dừng chân ngắn ngủi thì nay đã thành điểm tập trung chính của di dân khi họ phải chờ đợi hàng tháng trời.
Bà Elise Stefanik, chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, nói với báo giới hôm 10-5: "Cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo".
Theo Hãng tin AFP, các quan chức biên giới cho biết có tới 10.000 người đã tìm cách vào nước Mỹ mỗi ngày trong tuần qua. Tuy nhiên làn sóng di cư hỗn loạn mà các chính trị gia cánh hữu dự đoán đã không xảy ra trên thực tế.
Báo New York Times tường thuật hôm 12-5: "Sau khi Điều khoản 42 hết hạn, biên giới Mỹ chứng kiến các đám đông đổ đến, nhưng không xảy ra hỗn loạn". Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, cho biết Mexico cũng đang hợp tác với Mỹ để tránh "hỗn loạn" và "bạo lực" tại biên giới hai nước.
Hiện nay chính quyền ông Biden cũng đang triển khai các biện pháp chính sách nghiêm ngặt mới sau khi dỡ bỏ Điều khoản 42. Trong đó có quy định tị nạn mới, nhìn chung sẽ cấm những người di cư đã đi qua một quốc gia khác xin tị nạn ở Mỹ.
Quy định mới - được đề xuất vào đầu năm nay - cho rằng những người xin tị nạn ở Mỹ, nếu trên đường tới Mỹ đã đi qua các quốc gia an toàn, như Mexico chẳng hạn, mà không xin tị nạn thì họ sẽ không được phép tị nạn ở Mỹ, thậm chí có thể bị cấm suốt đời.
Chính quyền ông Biden cũng có kế hoạch đưa những người Cuba, Venezuela, Haiti và Nicaragua trở lại Mexico nếu họ vượt biên trái phép.
Tác động từ bối cảnh chính trị
Tuy nhiên việc chính quyền ông Biden chấm dứt Điều khoản 42 và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt mới được coi là động thái chính trị phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Biden, và có thể phải đối mặt những thách thức pháp lý của Đảng Cộng hòa.
Bởi lẽ theo Đài ABC, trước đây ông Biden vốn dành sự chú ý - ít nhất là công khai - không nhiều cho vấn đề nhập cư. Ông đã đến thăm biên giới Mỹ - Mexico chỉ một lần trên tư cách tổng thống sau hai năm bị giới chỉ trích gây áp lực.
Trong khi đó, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ coi vấn đề nhập cư là ưu tiên hàng đầu. Tuần này họ thúc đẩy thông qua một dự luật tại Hạ viện, trong đó sẽ cấp thêm các khoản kinh phí và công nghệ an ninh dọc biên giới.
TTO - Ngày 28-6, Tòa án liên bang Mỹ đã buộc tội 2 công dân Mexico có liên quan đến âm mưu buôn người khiến ít nhất 51 người thiệt mạng trong một chiếc xe thùng đầu kéo ở thành phố San Antonio, bang Texas.
Xem thêm: mth.27921058041503202-neib-touv-nad-id-iov-uad-uad-ial-ym/nv.ertiout