Thị trường giao dịch đã trải qua một tuần giao dịch khá tích cực về mặt điểm số và thanh khoản, chỉ số VN-Index đang tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.070 điểm. Liệu đà tích cực có tiếp diễn trong tuần tới không, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Với những gì chúng ta chứng kiến trong tuần giao dịch vừa qua, VN-Index hoàn toàn có thể duy trì được xu hướng tăng điểm trong tuần tới cụ thể là thể tăng chạm khu vực 1.070 - 1.075 điểm.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Đúng là diễn biến tuần qua được đánh giá là khá tích cực, cả về nền giá cổ phiếu, thanh khoản cũng như điểm số. Tuy nhiên về cơ bản, tôi vẫn đánh giá xu thế chung đang ở trạng thái giằng co tích lũy (vốn kéo dài từ sau Tết) trong biên độ 1.030-1.070 chứ chưa thực sự xuất hiện tín hiệu sẽ phá vỡ khung tích lũy này trong ngắn hạn.
Trong tuần tới, áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trở lại khi VN-Index tiến gần tới vùng biên trên của khung tích lũy, và không dễ để thị trường nối tiếp đà tích cực như tuần vừa qua.
Trái ngược với sự trầm lắng của nhóm Bluechips, nhóm Penny và Midcap giao dịch khá sôi động trong thời gian này. Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như những lưu ý khi chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Một khi các chỉ số chứng khoán trung bình không tăng nhiều thì điều đó phản ánh việc các cổ phiếu bluechips không có biến động giá lớn trong khi dòng tiền tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ - tất nhiên các cổ phiếu lớn vẫn có các phiên tăng điểm khá tốt nhưng số lượng lớn các cổ phiếu midcap và penny lại tăng giá mạnh hơn.
Có lẽ việc chọn lựa đầu tư vào các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nên ưu tiên các cổ phiếu cơ bản có tổng tài sản ngắn hạn lớn hơn nhiều so với các khoản nợ, tỷ lệ P/B và P/E tương đối thấp, kể cả thấp hơn so với trung bình của ngành.
Đó là cổ phiếu cơ bản thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, dược, bất động sản, dầu khí, tiện ích và tất nhiên nếu lịch sử trả cổ tức bằng tiền tốt đi kèm giá trị giao dịch tăng mạnh cũng sẽ là điểm cộng khi lựa chọn cổ phiếu.
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thực ra theo kinh nghiệm, khi thị trường bước vào giai đoạn mà nhóm Penny “nổi sóng” thường lại là ở cuối chu kỳ tăng điểm. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, sóng Penny được đánh giá thường không kéo dài, do vậy chúng ta không nên quá kỳ vọng vào các cổ phiếu Penny cũng như Midcap.
Tôi không đánh giá cao tính bền vững của đà tăng này, thậm chí nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời khi đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Định giá P/E dự phóng năm 2023 của chứng khoán Việt Nam đang dao động quanh 10 lần, được đánh giá là rẻ nhất trong một thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm bình quân 22% so với cùng kỳ khiến mức định giá bị đẩy lên tương ứng, cũng là rõ rệt nhất đối với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nên nhận diện sự đắt/rẻ của chỉ số P/E của TTCK Việt Nam như thế nào ở thời điểm hiện tại, theo ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Nhìn mặt bằng chung với mức P/E dự phóng của TTCK Việt Nam là rẻ - nhiều cổ phiếu thuộc các lĩnh vực ngành nghề cơ bản như dầu khí, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng xây lắp, tiện ích... đang ở mức định giá hấp dẫn, nhưng tất nhiên chúng ta cũng vẫn muốn trao đổi cụ thể về những cổ phiếu riêng lẻ đặc thù hơn là nói về mặt bằng các cổ phiếu nói chung.
Kiểm tra nhiều cổ phiếu ở nhiều lĩnh vực phân ngành ICB cấp 2 thường xuyên - quan điểm tôi vẫn khá rõ ràng - nhiều cổ phiếu ở mức định giá hấp dẫn - nhiều cổ phiếu mà thị giá còn thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách - P/E thị trường vẫn là hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Với kết quả kinh doanh quý I/2023 tương đối tiêu cực, mức định giá theo P/E đã không còn rẻ như giai đoạn trước. Nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu được nhìn nhận sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2023, do vậy nếu định giá theo P/E, rõ ràng nhà đầu tư cần lưu ý TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như góc nhìn tới hết 2023 sẽ không thực sự còn hấp dẫn.
Nhiều cổ phiếu bất động sản đã nổi sóng trong thời gian qua như DIG, DXG, CEO, HQC…khi giá cổ phiếu đã tăng 20% đến 50% chỉ trong một thời gian ngắn. Ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có lẽ các nhà đầu tư vẫn nên lưu ý về các cổ phiếu mà chúng ta ước tính được giá trị cơ bản của doanh nghiệp và nên chọn cổ phiếu điển hình hơn để đầu tư và tất nhiên cả khía cạnh đầu cơ - nếu nói về DIG, DXG hay CEO, HQC thì DIG vẫn được lưu ý hơn chẳng hạn.
Dù có lúc dòng tiền sẽ lan tỏa cả cổ phiếu "tốt", 'xấu", nhưng nhà đầu tư vẫn nên sàng lọc để có thể đưa ra quyết định thời điểm nào nên giao dịch ngắn hạn, thời điểm nào nên đầu tư dài hơi. Việc tăng giá tốt trong khoảng thời gian ngắn cũng có thể là 1 gợi ý là nên chốt lời và cơ cấu lại danh mục đầu tư hơn là việc đặt kỳ vọng mức sinh lời ở mức cao hơn.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Tôi vẫn giữ đánh giá trong năm 2023, các doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn còn phải trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Việc các cổ phiếu ngành này tăng nóng trong thời gian gần đây là do dòng tiền đầu cơ được đẩy mạnh dựa trên các thông tin hỗ trợ như: lãi suất, chính sách về bất động sản..
Nhịp tăng này là sự hồi phục sau giai đoạn giảm rất sâu trước đó, chứ chưa mang tính đảo chiều dựa trên sự thay đổi bản chất của ngành nghề. Nhà đầu tư cần nhận diện điều này để tránh những kỳ vọng thiếu tính thực tế.
Ông Dương Hoàng Linh |
Các khuyến nghị vẫn cho rằng, giai đoạn này tốt để thực hiện tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, đầu tư và nằm im không phải là chiến lược tốt, thay vào đó là phải linh hoạt xoay chuyển dòng tiền. Dĩ nhiên là đầu tư ngắn hay dài hạn sẽ có phương thức và cách chọn lựa cổ phiếu khác nhau, nhưng với ông/bà, chiến lược nào phù hợp ở giai đoạn này, đi cùng với đó là cách lựa chọn cổ phiếu?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có lẽ việc mua và nắm giữ cổ phiếu, tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn sẽ phù hợp với số đông nhà đầu tư hơn - có những nhà đầu tư có khả năng và kinh nghiệm hơn các nhà đầu tư khác thì việc giao dịch linh hoạt và có thể ra vào ngắn hạn hợp lý có thể là 1 lợi thế để giúp hiệu quả đầu tư của danh mục tốt hơn.
Tất nhiên cũng không quá nhiều nhà đầu tư có thể ra vào ngắn hạn linh hoạt được thì áp dụng chiến lược ngắn hạn hay dài hạn tùy vào tư duy và phương pháp tiếp cận của từng người, thời gian, vốn mà họ dành cho đầu tư.
Giai đoạn này rõ ràng việc mua và tích lũy cổ phiếu dài vẫn là ưu tiên số 1 - bên cạnh đó việc giao dịch ngắn hạn cũng là 1 lựa chọn hợp lý khi dòng tiền đang tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với mức tăng giá rất cao trong trong khoảng thời gian ngắn.
Trong danh mục cổ phiếu nắm giữ bởi nhà đầu tư thì họ vẫn phải chấp nhận việc sẽ có cổ phiếu họ nên nắm giữ dài và có cổ phiếu nên giao dịch ngắn cho hiệu quả và tối ưu hơn. Năm nay - đầu tư và giao dịch linh hoạt có lẽ là chiến lược phù hợp.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Tôi không thay đổi quan điểm đã từng nói nhiều lần, với những điều kiện hiện tại của thị trường: vĩ mô, dòng tiền…, việc lướt sóng ngắn hạn chỉ nên tham gia với tỷ trọng an toàn và chú ý quản trị rủi ro.
Nhà đầu tư nên hướng tới góc nhìn dài hạn, cân nhắc tích lũy các cổ phiếu đầu ngành giữ được tăng trưởng ổn định thuộc các nhóm ngành sản xuất. Những doanh nghiệp này là nhóm ít bị ảnh hưởng hơn bởi suy thoái, cũng như sẽ phục hồi tốt và trước tiên khi thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực.