Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang, sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, đến nay, đã có 201 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang để tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều của địa phương này.
Thông tin trên ANTĐ, danh sách các thương nhân Trung Quốc này đã được Công an tỉnh Bắc Giang gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để làm các thủ tục cấp phép nhập cảnh.
Dự kiến cuối tháng 5, các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm 2023, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt sản lượng trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 – 30/7.
Năm 2023, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều có điểm đổi mới, thay vì tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ chuyển sang kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải.
Đến nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang đã ký kết 34 biên bản thỏa thuận hợp tác đối với các chợ đầu mối nông sản, sàn giao dịch thương mại điện tử, các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp… để tiêu thụ khoảng 110.000 tấn vải.
Thông tin từ Thanh Niên, huyện Tân Yên, Bắc Giang sẽ là địa phương đầu tiên có thu hoạch vải thiều chín sớm. Theo UBND H.Tân Yên, bắt đầu từ ngày 25/5 - 31/5, địa phương này tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa. Trong dịp này, ngoài giới thiệu, quảng bá tiêu thụ vải thiều chín sớm, H.Tân Yên kết hợp tổ chức các mô hình du lịch sinh thái, tâm linh gắn với tiêu thụ vải và sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, qua rà soát đến nay, toàn tỉnh đã có 110 mã số vùng trồng với 16.034 ha và 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Giang đang đề nghị cấp bổ sung 13 mã số vùng trồng, diện tích 575 ha, nâng tổng số diện tích trồng vải thiều xuất khẩu Trung Quốc lên 16.609 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn.
Để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc thuận lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm túc, làm đúng các quy định trong Lệnh 248 (quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc) và Lệnh 249 (quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu vào Trung Quốc) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu.
Trúc Chi (t/h)