vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ án 24 ngày giữa đại dương - ranh giới sinh tồn và đạo đức

2023-05-14 18:02

Du thuyền Mignonette nặng 19 tấn, dài 16 m được đóng vào năm 1867, là dạng tàu ven bờ, dùng mục đích giải trí, không được chế tạo cho những chuyến đi dài. Một vị khách hàng người Autralia đặt mua nó vào năm 1883 từ hãng đóng tàu tại Southampton.

Con tàu có thể được vận chuyển đến cảng Sydney với chi phí hợp lý bằng tàu vận chuyển nhưng do hải trình quá lê thê, hơn 24.000 km, không hãng vận chuyển nào nhận.

Do đó, ngày 19/5/1884, du thuyền được thuỷ thủ đoàn 4 người dong buồm trực tiếp lái nó từ Southampton, vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), sang Sydney.

Thuyền trưởng Tom Dudley, 31 tuổi, là bậc thầy chèo thuyền dũng cảm và hiểu biết về biển cả. Ba người còn lại gồm: Edwin Stephens, 37 tuổi, kinh nghiệm 13 năm đi biển. Edmund Brooks, 39 tuổi và Richard Parker, cậu bé mồ côi 17 tuổi chưa từng thực hiện một chuyến hải hành dài ngày nào.

Trong gần một tháng rưỡi, chuyến đi diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi họ tiến về phía nam, thời tiết xấu đi. Ngày 5/7, một cơn sóng lớn ập vào, cuốn trôi các thành tàu và xô vào mạn. Du thuyền Mignonette bắt đầu chìm.

Dudley ra lệnh hạ xuồng cứu sinh, một chiếc xuồng mỏng manh dài 4 m với những tấm ván gỗ chỉ dày chưa đến một cm.

Ảnh chụp xuồng cứu sinh trưng bày tại Falmouth, Anh năm 1884. Ảnh: University of Chicago Press

Ảnh chụp xuồng cứu sinh trưng bày tại Falmouth (Anh) năm 1884. Ảnh: University of Chicago Press

Khi ba thuyền viên đã lên xuồng, Dudley cố gắng vớt vát những hành trang quan trọng nhất trên tàu: la bàn, máy đo thời gian và nhảy vào được chiếc xuồng cứu sinh một phút trước khi chiếc Mignonette chìm.

Bốn người đàn ông chen chúc trong một chiếc xuồng nhỏ, lạc lõng giữa Nam Đại Tây Dương, cách Mũi Hảo Vọng 2.600 km, cách Nam Mỹ 3.000 km với lương thực vỏn vẹn hai hộp củ cải và không có nước. Đó là tình huống tuyệt vọng.

Trong đêm đầu tiên, thủy thủ đoàn phải chống lại một con cá mập bằng mái chèo. Ba ngày sau, họ mới dám mở hộp củ cải đầu tiên. Năm miếng củ cải chia cho 4 người ăn dè hai ngày.

Khoảng bốn ngày sau, họ bắt được một con rùa nặng khoảng 1,5 kg và cố làm thịt, hứng tiết trong hộp đựng đồng hồ bấm giờ, nhưng sóng đánh vào xuồng và máu hòa với nước biển, vì vậy họ đành bỏ. Là thuỷ thủ lâu năm, họ biết, uống nước biển đồng nghĩa mời gọi cái chết đến nhanh hơn.

Họ xoay sở để sống bằng thịt rùa trong năm hoặc sáu ngày. Và thỉnh thoảng họ hứng được nước mưa trong áo khoác da, nhưng rất ít, và chỉ uống khi chắc chắn rằng trong đó không có nước biển. Những đau khổ của họ lên cùng cực. Theo mô tả sau đó, môi và lưỡi của họ trở nên khô và đen, bàn chân và cẳng chân của họ sưng lên và da của họ lở loét do thường xuyên tiếp xúc với biển, gió và áp lực trong chiếc thuyền chật chội.

Khi những ngày không có nước trôi qua, ngày 13/7, những người đàn ông buộc phải uống nước tiểu của chính mình. Sau khoảng hai tuần chịu đựng sự giày vò, không thể chịu đựng được nữa, chàng trai trẻ Richard Parker đã uống một lượng nước biển đáng kể và bị ốm nặng. Anh ta bắt đầu nói mê sảng và có vẻ như sắp chết, nằm lê lết.

Việc bốc thăm để chọn một nạn nhân sẽ chết để làm thức ăn cho những người khác lần đầu tiên được thảo luận ngày 17/7. Cuộc tranh luận gay gắt hơn vào ngày 21/7 nhưng không có giải pháp.

Nhưng 3 ngày sau, cùng với việc cậu trai trẻ mồ côi Richard Parker hôn mê nặng, Dudley nói với những người khác rằng tốt hơn là một trong số họ chết để những người khác sống sót và nên rút thăm. Brooks từ chối. Đêm đó, Dudley lại nêu vấn đề, ám chỉ rằng Parker có lẽ sắp chết, lại còn độc thân.

Ngày hôm sau, 25/7, sức khoẻ Richard Parker không có tiến triển, Dudley và Stephens âm thầm ra hiệu cho nhau rằng người thế mạng, sẽ là cậu ta.

Brooks không ra hiệu đồng ý cũng như không phản đối. Dudley đọc một lời cầu nguyện, Stephens đứng bên cạnh để giữ chân của cậu thanh niên. Thuyền trưởng rút dao nhíp, xuống tay.

4 hôm sau, Dudley, Stephens và Brooks cuối cùng đã được thuyền Montezuma của Đức giải cứu, đưa về Falmouth, Anh, sau 24 ngày lênh đênh giữa đại dương. Ba người sống sót đã đến cơ quan hải quan và yêu trình báo về vụ đắm tàu, và cả sự việc với người đã hết. Cả ba đều thẳng thắn, tin tưởng hành vi của mình là chính đáng, theo đạo đức dân hàng hải.

Cuộc sinh tồn của những thuỷ thủ được công chúng khi đó ca ngợi, cảm thông và sáng tác nhiều tác phẩm thơ, nhạc đề tặng. Ảnh: National Library of Scotland

Cuộc sinh tồn của những thuỷ thủ được công chúng khi đó ca ngợi, cảm thông và sáng tác nhiều tác phẩm thơ, nhạc đề tặng. Ảnh: National Library of Scotland

Trong khi những người sống sót đang thu xếp để đoàn tụ với gia đình, nhà chức trách nghĩ rằng ba thuỷ thủ nên bị tạm giữ. Kết quả, cả ba bị bắt cuối ngày và trình diện thẩm phán, cơ quan công tố hôm sau vì tội Giết người.

Thông tin vụ án đã thống trị mặt báo. Dư luận ở Falmouth ủng hộ các bị cáo, đặc biệt khi Daniel, anh trai của Parker, cũng là một thủy thủ, xuất hiện trước tòa và bắt tay với cả ba. Cơ quan công tố gặp thách thức trong việc buộc tội vì các nhân chứng duy nhất là chính ba bị cáo và họ lại có quyền im lặng. Còn các lời khai có lẽ không đủ để kết tội. Brooks sau đó được thả vì không trực tiếp giết người, với điều kiện phải trở thành người làm chứng.

Câu hỏi quan trọng trong vụ án: Các bị cáo có phạm tội giết người?

Luật quy định rằng khi một cá nhân hành động theo phán đoán của mình, tước đi mạng sống của đồng loại thì hành động của anh ta chỉ có thể được biện minh trên cơ sở cơ sở để tự vệ. Nguyên tắc này bao gồm cả trường hợp một người giết người khác để ngăn cản một tội ác lớn đối với người thứ ba.

Nhưng nguyên tắc không áp dụng cho trường hợp này, vì các bị cáo đã không tự bảo vệ mình trước bất kỳ "tội ác" nào của nạn nhân. Nếu Richard có thức ăn và họ đã lấy nó từ anh ta, họ sẽ phạm tội trộm cắp. Còn nếu họ giết anh ta để lấy thức ăn này, họ sẽ mắc tội giết người.

Tại phiên toà ngày 6/11 cùng năm, Dudley hồi tưởng: "Tôi có thể đảm bảo sẽ không bao giờ quên ngày kinh khủng đó. Tất cả chúng tôi đều giống như những con sói điên, đối với người chồng, người cha luôn dạy con về đạo đức, tôi biết phạm tội như vậy thì không thể bao biện gì".

Tại toà, HĐXX dẫn chứng nhiều vụ án kinh điển và trường hợp tương tự trong lịch sử để luận giải phán quyết sắp tới của mình. Ví dụ, hai người đàn ông sắp chết đuối và có một tấm ván song chỉ đủ đỡ một người. Nếu một người đẩy người còn lại xuống thì người sống sót không thể bị trừng phạt trước pháp luật. Hoặc trong một vụ án khác, một hành khách trên tàu có thể bị ném xuống biển để cứu những người khác bị xử phạt.

Toà dựa trên "quy luật tất yếu không thể làm khác" để giải quyết vụ án của Duley và Stephen.

Một vấn đề khác là bản chất hành vi, có phải giết người? Bởi thực tế nạn nhân ở trạng thái hôn mê, gần như đã chết, "đằng nào cũng chết. Nhưng ở chiều trái ngược, cũng nhiều người cho rằng biết đâu họ có thể được giải cứu ngay ngày hôm sau bởi một con tàu đi qua. Nếu vậy, rõ ràng rõ ràng việc giết cậu bé sẽ là hành động không cần thiết, không phù hợp "quy luật tất yếu không thể làm khác".

Sau nhiều ngày cân nhắc, toà bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh "bần cùng, đau khổ khủng khiếp" mà các thuỷ thủ trải qua 62 ngày giữa lằn ranh sống chết. "Nhưng không thể lấy sự bàn cùng đó là cái cớ để phạm tội, và đặc biệt lấy đi mạng sống ai đó".

Toà án hoàng gia tuyên Duley và Stephen có tội, phạt tử hình. Nhưng sau đó, họ được nữ hoàng Victoria ân xá xuống 6 tháng tù. Cả hai được trả tự do vào 20/5/1885.

Tiểu thuyết Cuộc đời của Pi, sau đó được dựng phim, có cảm hứng từ vụ án. Ảnh: Moviepedia

Tiểu thuyết "Cuộc đời của Pi", sau đó được dựng phim, có cảm hứng từ vụ án. Ảnh: Moviepedia

Vụ án này là một trong số ít vụ án hình sự được dạy cho tất cả sinh viên luật ở Anh. Đây cũng là một trường hợp pháp lý tiêu chuẩn được dạy cho sinh viên luật năm thứ nhất của Mỹ và thường là vụ án hình sự đầu tiên được đọc trong các trường luật của Mỹ, vẫn luôn thổi bùng lên sự tranh luận trên giảng đường trường luật.

Câu hỏi pháp lý mà vụ án đưa ra là: Khi nào, hoàn cảnh được xem là "tất yếu không thể làm khác".

Vụ án cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm hội hoạ và văn học. Trong số này nổi tiếng nhất là tiểu thuyết sau đó được dựng thành bộ phim cùng tên đoạt 4 giải Oscar: Cuộc đời của Pi. Con hổ trong tiểu thuyết này được đặt theo tên nạn nhân vụ án: Richard Parker.

Trong sân nhà thờ của Nhà nguyện Jesus trên Peartree Green ở Southampton, có một tấm bia tưởng niệm Richard Parker.

Hải Thư (Theo NYT, Canestrinilex)

Xem thêm: lmth.6003064-cud-oad-av-not-hnis-auig-ioig-hnar-gnoud-iad-auig-yagn-42-na-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ án 24 ngày giữa đại dương - ranh giới sinh tồn và đạo đức”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools