Nội dung này vừa được Sở TN-MT báo cáo khẩn gửi Thường trực UBND TP.HCM sau khi kết quả giải ngân vốn bồi thường 4 tháng đầu năm khá thấp.
Cụ thể, đối với vốn bồi thường năm 2022, đến ngày 10.5 chỉ giải ngân được 7.744 tỉ đồng, tương đương 81,5%. Trong hơn 1 tháng, toàn thành phố chi trả thêm chưa tới 160 tỉ đồng, chỉ đạt 0,01%.
Với tỷ lệ trên, Sở TN-MT đánh giá các địa phương trên địa bàn TP.HCM chưa thật sự quyết liệt trong việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, dẫn đến việc các chủ đầu tư xây lắp không giải ngân được vốn xây lắp.
Đối với năm 2023, toàn TP.HCM có 134 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn 20.189 tỉ đồng. Đến ngày 10.5, các địa phương giải ngân được 484 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 2,4%. Sở TN-MT cho rằng tỷ lệ giải ngân nêu trên là rất thấp, không đạt yêu cầu.
Thống kê cho thấy nhiều địa phương của TP.HCM chưa giải ngân đồng nào, toàn bộ vốn còn nằm trong kho bạc như Q.3, Q.5, Q.7, Q.8, Q.Bình Tân, Q.Phú Nhuận, H.Củ Chi và H.Nhà Bè. Một số địa phương được phân bổ vốn bồi thường lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao có thể kể đến Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp.
Lãnh đạo địa phương chưa quan tâm
Phân tích một số nguyên nhân chính, Sở TN-MT cho rằng hầu hết các địa phương đều không lập kế hoạch chi tiết từng tháng hoặc kế hoạch chưa rõ ràng, số liệu chưa chính xác. Thậm chí, có địa phương còn thường xuyên không gửi báo cáo cũng như không thực hiện báo cáo đúng thời gian, nội dung mang tính đối phó, sơ sài, qua loa, đại khái, điển hình là Q.6.
Công tác bồi thường vốn phức tạp, nhiều vướng mắc phát sinh nhưng khi Sở TN-MT tổ chức cuộc họp tháo gỡ thì lãnh đạo địa phương ít tham dự, có địa phương còn chưa từng dự buổi nào như các quận: 1, 3, 4, 6, 7, 10.
Đặc biệt, Sở TN-MT đánh giá hầu hết các địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ các chỉ đạo của UBND TP.HCM, chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Vai trò của tổ chức chính trị tại địa phương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công còn mờ nhạt, vẫn còn tình trạng giao khoán cho Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng.
"Với cách thức thực hiện như hiện nay, dự liệu khả năng giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao vốn bồi thường đến cuối năm 2023 chỉ đạt khoảng 70%", báo cáo của Sở TN-MT nêu, trong khi chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM là giải ngân trên 95%.
Từ phân tích các nguyên nhân trên, Sở TN-MT kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân từng tháng, đảm bảo và cam kết tỷ lệ giải ngân cuối năm 2023 phải đạt trên 95%.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo tiến độ giải ngân vốn bồi thường, cũng như tham gia đầy đủ các cuộc họp do Sở TN-MT tổ chức. Dự kiến từ ngày 15 - 20.5, Sở TN-MT sẽ mời trực tiếp Chủ tịch UBND các địa phương để rà soát, xử lý những vướng mắc cụ thể của từng địa phương.
Thiếu nhân sự làm công tác bồi thường
Theo Sở TN-MT TP.HCM, nhân sự Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng không ổn định, trình độ không đồng đều, một số nơi không đủ người cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường chưa cao.
Lý do, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đa phần là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính. Nếu địa phương không có dự án sẽ không nguồn thu để chi trả lương dẫn đến cắt giảm về mặt nhân sự, cũng như những người có kinh nghiệm, trình độ dần dần tự chuyển sang đơn vị khác. Đến khi địa phương được giao dự án lớn thì không đủ nhân sự thực hiện.
Trong khi đó, nhân sự của các đơn vị như Phòng TN-MT và UBND phường, xã lại chưa phối hợp tốt, chưa xem đây là nhiệm vụ của đơn vị mà xem như "hỗ trợ" dẫn đến tiến độ thực hiện rất chậm.
Mặt khác, nhân sự của các đơn vị này không thể tăng, giảm thường xuyên như Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng nên khi có dự án lớn, nhiều hộ bị ảnh hưởng thì thời gian thực hiện các công việc như xác minh nguồn gốc đất, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các hộ dân sẽ kéo dài.