Siêu bão Mocha ngày 14-5 đổ bộ gần TP Sittwe, bang Rakhine - Myanmar với sức gió lên đến 209 km/giờ, gây ra nhiều thiệt hại.
Giới chức địa phương thông tin bão đã làm hư hại nhiều ngôi nhà, hệ thống lưới điện, mạng di động tại TP Sittwe và 2 thị trấn Kyaukpyu, Gwa. Ngoài ra, Reuters cho biết một đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy một phần TP Sittwe bị ngập lụt.
Theo Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ, siêu bão Mocha có lúc đạt sức gió lên tới 259 km/giờ trước thời điểm đổ bộ.
Theo AP, hơn 4.000 người trong số 300.000 cư dân ở Sittwe đã được sơ tán đến các địa phương khác từ ngày 12-5. Trong khi đó, 20.000 người khác đang trú ẩn trong các tòa nhà kiên cố như tu viện, chùa, trường học tọa lạc ở vùng cao của thành phố.
Từ sáng 14-5, người dân thành phố này đã đối mặt những cơn gió rất mạnh và mưa xối xả, trong lúc có các báo cáo tử vong liên quan đến thời tiết xấu.
Tại Bangladesh, nhà chức trách TP Cox’s Bazar đã cho sơ tán 1,27 triệu người sau khi có dự báo địa phương này nằm trên đường đi của bão Mocha.
Ngoài ra, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và nhân viên cứu trợ ở Bangladesh đã chuẩn bị hàng tấn lương thực, hàng chục xe cứu thương và các đội y tế lưu động khi mức cảnh báo cao nhất được đưa ra. Dù vậy, đến chiều 14-5 (giờ địa phương), giới chức Bangladesh cho biết mối đe dọa từ bão đã giảm đáng kể.
Nhà khoa học khí hậu Roxy Mathew Koll - Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ - cảnh báo các cơn bão ở vịnh Bengal đang trở nên mạnh hơn, một phần do biến đổi khí hậu. Theo chuyên gia này, các đại dương ấm áp và gió thuận lợi khiến bão duy trì cường độ trong thời gian dài hơn.
Trong khi đó, trang Bloomberg nhận định các cơn bão lớn và nắng nóng nghiêm trọng có thể diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khả năng xảy ra hiện tượng El Nino.
Đáng chú ý, Myanmar không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đối mặt thời tiết cực đoan. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore cho biết nhiệt độ ngày 13-5 là 37 độ C, cao nhất trong 40 năm qua. Đây cũng là ngày nóng nhất trong tháng 5 từng được ghi nhận, cao hơn kỷ lục năm ngoái là 36,7 độ C. Cơ quan này cũng cảnh báo các điều kiện khô và nóng sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại Malaysia, 14 trường hợp say nắng được báo cáo hôm 12-5 và con số này có thể còn tăng khi thời tiết nắng nóng được dự báo kéo dài đến tháng 8.
"Tình hình vẫn đang được kiểm soát. Các bệnh viện và cơ sở y tế của bộ đã sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân say nắng và bị chuột rút do nhiệt" - Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lukanisman Awang Sauni nói với hãng thông tấn nhà nước Bernama hôm 13-5. Nước này gần đây có một trẻ em tử vong do say nắng, khiến Bộ Y tế phải đưa ra khuyến cáo công khai.
Trước đó, Philippines đã phải cắt giảm giờ học khi nhiệt độ đạt mức cao nguy hiểm. Ngoài ra, Thái Lan cảnh báo nguy cơ hạn hán do hiện tượng El Nino vào cuối năm nay có thể đẩy giá lương thực lên cao.
Xem thêm: nhc.576034480515032881-naod-cuc-teit-ioht-gnuh-a-man-gnod/nv.fefac