vĐồng tin tức tài chính 365

Ngăn 'làn sóng' doanh nghiệp bán tài sản

2023-05-15 09:53
Ngăn làn sóng doanh nghiệp bán tài sản - Ảnh 1.

Tại TP.HCM, dù nhiều cửa hàng kinh doanh đã trả mặt bằng nhưng từ nhiều tháng nay vẫn không có khách thuê - Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán...

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thực trạng này, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, vì vậy cần phải có giải pháp mạnh hơn để ngăn làn sóng doanh nghiệp bán tài sản, rời bỏ thị trường.

Doanh nghiệp đang rất gay go

Ngăn làn sóng doanh nghiệp bán tài sản - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn

* Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải bán gần hết tài sản để cầm cự và số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng vọt so với cùng kỳ năm trước?

- Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tình hình kinh tế thế giới biến động lớn, bối cảnh kinh tế khó khăn hơn.

Trong nước, doanh nghiệp cũng gặp khó khi tiếp cận vốn, dòng tiền, lãi suất ngân hàng quá cao. Các vấn đề của thị trường tiền tệ, tỉ giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng bị đứt dòng tiền. Trong khi thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán năm vừa qua có nhiều điều chỉnh lớn.

Tất cả những yếu tố này đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp đang rất gay go, cần có những giải pháp hỗ trợ mạnh hơn từ phía Chính phủ.

* Vừa qua, Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp như nghị quyết 33 gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nghị định 08 gỡ vướng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lập các tổ công tác gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ngoài những chính sách này, chúng ta cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ lại với thị trường?

- Việc ban hành giải pháp, chính sách tốt là một chuyện, vấn đề đang nằm ở thúc đẩy thực thi chính sách.

Ví dụ, hiện nay việc hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư ở địa phương rất lâu. Có dự án đầu tư phải chờ 1 - 2 năm mới được phê duyệt.

Cơ chế ra quyết định ở các địa phương cũng rất phức tạp, đây là thách thức rất lớn. Có chính sách tốt nhưng bộ máy thực thi chưa hiệu quả, chưa tốt cũng ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp.

* VCCI vừa công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022, ông có thể cho biết doanh nghiệp đang khó khăn thế nào trong tiếp cận vốn, có tình trạng doanh nghiệp không dám vay vốn để kinh doanh không?

- Doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có lãi suất quá cao nên hoạt động kinh doanh bình thường sẽ khó đáp ứng được mức lãi vay ngân hàng đưa ra hiện nay.

Thứ hai là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện rất khó, nhiều ngành kinh doanh có xu hướng suy giảm nên doanh nghiệp rất cân nhắc khi vay vốn ngân hàng.

Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, phí mạnh mẽ hơn nữa để giúp họ giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, những chương trình cải cách thực hiện trong thời gian qua cần được tiếp tục mạnh mẽ hơn. Ví dụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Chính phủ từng dự kiến ban hành một nghị định về đổi mới cơ chế quản lý thực phẩm nhập khẩu.

Thủ tướng đã có quyết định về việc ban hành nghị định này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng, nhưng đến nay nghị định này chưa được thông qua vì nhiều bộ đang phản đối việc xây dựng nghị định.

Những chính sách như thế này cần được ban hành sớm để đổi mới cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bối cảnh bên ngoài có nhiều khó khăn thì các vấn đề về chính sách, thể chế quản lý trong nước cần phải thuận lợi hơn để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tôi mong rằng bên cạnh các nhóm giải pháp về tiền tệ, nhóm giải pháp về tài khóa thì những giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp phải thuận lợi hơn. Đây là những giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Ngăn làn sóng doanh nghiệp bán tài sản - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) thu hẹp sản xuất, cho thuê nhà xưởng, kho bãi nhưng từ nhiều tháng nay vẫn chưa có khách hàng (ảnh chụp sáng 14-5) - Ảnh: TỰ TRUNG

Doanh nghiệp phải "bán mình", rất xót xa

* Ông có thể cho biết tình trạng doanh nghiệp phải bán tài sản để cầm cự, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong bốn tháng đầu năm sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?

- Việc doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp khác vào tiếp quản là chuyện bình thường trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhưng nếu một doanh nghiệp tốt đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn, buộc phải bán cả một cơ ngơi, một thương hiệu tốt là điều rất xót xa. Doanh nghiệp chỉ gặp trục trặc trong ngắn hạn mà phải "bán mình" là điều đáng tiếc cho nền kinh tế.

Về lâu dài, tình trạng doanh nghiệp buộc phải bán tài sản, thậm chí bán toàn bộ doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính lúc này tiềm ẩn vấn đề mất an toàn, an ninh kinh tế.

Chẳng hạn, doanh nghiệp đang kinh doanh những chuỗi bán lẻ lớn trên cả nước mà bán cho đối tác nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kênh phân phối nội địa thời gian tới.

Hay các doanh nghiệp bất động sản lớn có chuỗi dự án ở vị trí đẹp, nằm ở trung tâm kinh tế của các địa phương, những nơi đắc địa, nếu chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh, an toàn.

Có thể khẳng định sức khỏe của doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp lớn đang phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Tôi hy vọng khó khăn trước mắt sẽ qua nhanh.

* Nhiều doanh nghiệp đang thu mình lại, họ không duy trì sản xuất, mở rộng kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, điều này có đáng lo ngại?

- Đây là xu hướng chung của cả doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Khi bất ổn gia tăng thì doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn. Ngay cả người dân có tiền hiện nay, thay vì đầu tư kinh doanh họ lại mang tiền gửi ngân hàng.

Tôi mong rằng xu hướng này không kéo dài, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đến tạo việc làm, thu ngân sách. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần hỗ trợ để doanh nghiệp, người dân giữ vững tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp.

* Vậy theo ông, đâu là cơ hội cho doanh nghiệp bứt lên trong bối cảnh hiện nay?

- Trong lúc nhiều khó khăn như thế này thì doanh nghiệp nào quản trị rủi ro tốt, có sức khỏe tài chính lành mạnh sẽ có nhiều cơ hội lớn để bứt phá trong dài hạn. Nhưng "trong nguy có cơ" nên nhiều doanh nghiệp sẽ tìm ra được cơ hội mới, thị trường mới.

Hiện nay không chỉ doanh nghiệp Việt Nam khó khăn, các doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó, nên đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Doanh nghiệp nào khai thác thị trường tốt sẽ nắm bắt được cơ hội. Tình hình kinh tế trong và ngoài nước hiện nay là phép thử để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro để thích ứng tốt hơn với biến động của môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí "bán mình"

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Cơ khí - Điện TP.HCM, có một số công ty hụt dòng tiền, đơn hàng sụt giảm, không có khả năng duy trì hoạt động nên chấp nhận đàm phán để bán luôn doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nước ngoài của Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm tránh vỡ nợ.

Cũng có một số doanh nghiệp chia sẻ đang tiến hành sáp nhập, chấp nhận mất quyền kiểm soát hoặc thương hiệu để tránh nguy cơ gãy đổ.

Một số doanh nghiệp cơ khí cũng thừa nhận phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, không dám nghĩ đến chuyện có lãi.

C.TRUNG

* Ông Lê Viết Hải (chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM):

Doanh nghiệp nợ nần chồng chất, phải bán dự án

Hiện nhiều nhà thầu phụ của chúng tôi đã phải thế chấp nhà, xe, thậm chí phải đem tài sản ra tiệm cầm đồ, đi vay nóng để có vốn cầm cự.

Riêng chúng tôi đã chủ trương bán hết các dự án đã đầu tư để có tiền xoay xở.

Những máy móc, thiết bị, giàn giáo lên đến hàng triệu m² thì chúng tôi trừ nợ bằng cách chuyển giao cho các nhà thầu phụ mà không kèo nài giá cả.

Về tình hình chung, các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng hầu hết đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ, dẫn đến nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên, nợ thuế...

Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể xuất được do thị trường nước ngoài cũng ảnh hưởng.

Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, song quy định này chỉ áp dụng cho những khoản nợ sau ngày thông tư có hiệu lực, còn những khoản nợ đã tới hạn trước đó không áp dụng.

Theo tôi, cần áp dụng giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp có các khoản nợ đến hạn từ đầu năm 2023 và kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ.

* Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường mới

Rất nhiều ngành sản xuất chủ lực suy giảm đơn hàng, hiện có khoảng 50% doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng.

Các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động để giữ lao động hoặc tạm ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp mong muốn được kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách giảm thuế như có thể giảm thuế giá trị gia tăng, trước bạ, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp ...

Bên cạnh đó, cần gia hạn thời gian nộp thuế và giải quyết nhanh hoàn thuế để giúp doanh nghiệp giảm áp lực và cải thiện dòng tiền.

Ngoài ra, cần kích hoạt chương trình kích cầu đầu tư bù lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành kinh tế trọng điểm, các chương trình mục tiêu.

Đặc biệt, dù doanh nghiệp chủ động thực hiện nhưng Nhà nước cũng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường, tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để có thêm đơn hàng trong bối cảnh khó khăn.

* Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM):

Lo lắng bài toán giữ lao động

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may TP đang hết sức đau đầu bởi thị trường đầu ra chưa có tín hiệu lạc quan, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc hoặc sản xuất cầm chừng.

Tình hình đơn hàng thế nào trong các tháng tới đến nay chưa có gì chắc chắn, kể cả khách hàng cũng bất ổn, thị trường bất ổn nên các nhà sản xuất cầm cự vượt qua giai đoạn khó.

Cái khó khăn nhất của chúng tôi là bây giờ phải cắt giảm lao động, đến khi phục hồi, có lại đơn hàng thì không dễ tuyển lao động có tay nghề.

NGỌC HIỂN ghi

Lãi suất 'đè' doanh nghiệp

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) về tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 cho rằng lãi suất quá cao đang ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Tú Anh cho biết có một nghịch lý là trong quý 4-2022 kinh tế suy giảm thì lãi suất lại tăng. Lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng khoảng 12%, có ngân hàng tới 14%.

Ông Tú Anh phân tích: năm 2022 tín dụng bình quân năm khoảng 11,35 triệu tỉ đồng, nếu lấy lãi suất trung bình năm là 10% thì chi phí lãi vay năm 2022 khoảng 1,35 triệu tỉ đồng, chiếm 12% GDP, lớn hơn rất nhiều các gói hỗ trợ hiện nay.

Và nếu giảm 1% lãi suất cho vay thì sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khoảng 135.000 tỉ đồng. Dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực hạ lãi suất hai lần trong quý 1-2023, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,06% là do lãi suất cho vay thực của hệ thống ngân hàng hiện nay quá cao.

Theo ông Tú Anh, lãi suất Trung Quốc từ mức 5,08% vào năm 2020 đã giảm mạnh hiện còn khoảng 4,14%. Lãi suất tại Việt Nam gấp đôi Trung Quốc nên nhìn từ chi phí vốn, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có cửa cạnh tranh với Trung Quốc.

Phân tích tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023, ông Anh đã đưa ra năm lưu ý.

Thứ nhất, môi trường lãi suất cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai, lãi suất cao sẽ khuyến khích người có tiền đầu tư vào tài sản an toàn, không ai chấp nhận rủi ro khởi nghiệp kinh doanh trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng 8 - 9%/năm như hiện nay.

Thứ ba, lãi suất cao ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thứ tư, không nên tách bạch giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vì hai thị trường này gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu lãi suất cao, dòng tiền không tập trung vào thị trường vốn, bị hút vào ngân hàng.

Nhưng lãi suất quá cao cũng làm cho tất cả tài sản của ngân hàng theo định giá của thị trường bị âm. Thứ năm, lãi suất cao thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp ít đi.

"Dù ngành ngân hàng còn có khó khăn lớn nhưng đã đến lúc cần có chính sách quyết liệt, phối hợp giữa ngân hàng với thị trường vốn để cùng nhau đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Anh khuyến nghị.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước, môi trường lãi suất cao khiến phân bổ nguồn lực tài sản, tài chính của nền kinh tế bị méo mó.

Nhiều dự án kinh doanh tốt nhưng không chịu được lãi suất cao nên không đầu tư được. Theo ông Hòe, chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại bình quân khoảng 4% là quá cao, nếu ngân hàng "ăn dày" như hiện nay thì rủi ro sẽ quay lại, vì mọi rủi ro của nền kinh tế sẽ dồn lên hệ thống ngân hàng.

B.NGỌC

Khó khăn lan rộng, doanh nghiệp sản xuất cầm chừngKhó khăn lan rộng, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng

Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, gần 50% doanh nghiệp hiện sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường.

Xem thêm: mth.34662019051503202-nas-iat-nab-peihgn-hnaod-gnos-nal-nagn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags: vay

“Ngăn 'làn sóng' doanh nghiệp bán tài sản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools