Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản.
Những con số biết nói trên cho thấy, sau những khó khăn dồn dập, sức khỏe doanh nghiệp đã thực sự suy kiệt. Là lực lượng chủ lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Lúc này, ngoài nỗi lo về đơn hàng, thị trường, vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu nhất hiện nay là lãi suất.
Tại rất nhiều hội nghị được tổ chức gần đây, mà mới nhất là hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM tổ chức chiều 11-5, nhiều doanh nghiệp đã kêu "kiệt sức" vì lãi suất.
Quả thật, với mức lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chứ không dám nghĩ đến kinh doanh có lãi.
Lãi suất cao, doanh nghiệp lại bị hụt dòng tiền khi các ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo. Có doanh nghiệp giá trị tài sản giảm 50 - 60%, kéo theo hạn mức vay cũng bị giảm theo. Cùng lúc, chi phí đầu vào, điện - nước cũng tăng.
Các doanh nghiệp đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để có thể giảm lãi vay nhanh. Giải pháp được đề xuất là Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành để đẩy nhanh hơn nữa việc giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy lãi suất cho vay giảm nhanh hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời nới tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để các ngân hàng có thể giảm bớt giá vốn, trên cơ sở đó có thể giảm lãi suất cho vay.
Tháng 10 năm nay, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30%, khiến một số ngân hàng dù tín dụng tăng chậm nhưng vẫn phải đẩy lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng lên cao để giữ nguồn vốn, làm giá vốn khó giảm, lãi suất cho vay vì thế vẫn neo cao.
Tất nhiên, chính sách tiền tệ không phải là tất cả. Muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phải phối hợp đồng bộ với các chính sách khác, đồng thời phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ tâm lý sợ trách nhiệm, sợ rủi ro...
Song song đó là đẩy nhanh các chính sách kích cầu nội địa thông qua các chính sách giảm thuế. Không chỉ giảm 2% thuế giá trị gia tăng, cần miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để người làm công ăn lương có nguồn tiền chi tiêu, qua đó giúp tăng sức mua, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn...
Nhưng việc giảm lãi suất cho vay cần được đẩy nhanh, như một chính sách mở đường. Để khi lãi suất toàn thị trường thấp xuống thì dòng vốn tín dụng sẽ ra thị trường.
Cộng với dòng tiền từ đầu tư công, từ các chính sách kích cầu sẽ khiến cho thị trường khởi sắc hơn. Để doanh nghiệp có thể nuôi hy vọng rằng chậm nhất là quý 3 và quý 4 năm nay kinh tế trong nước sẽ khởi sắc.
Lúc này, ngoài nỗ lực ở chính mình, doanh nghiệp mong các chính sách hỗ trợ thực sự đi vào đời sống để doanh nghiệp thấy được rằng trong lúc nguy nan nhất họ đã được hà hơi, tiếp sức.
Vừa trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh, nên với mức lãi suất xoay quanh 10%/năm như hiện nay, doanh nghiệp không thể nào phục hồi và tái đầu tư, sản xuất được.
Xem thêm: mth.65060538051503202-yav-ohc-taus-ial-hnahn-maig-nac/nv.ertiout