Bình thường cậu bé lớp 5 rất hài hước, tan học là vui vẻ đòi ra sân đá banh ngay với bạn bè. Nhưng hôm nay cậu lặng lẽ hẳn, vừa tan trường là đòi về ngay để kiểm tra ống heo xem được bao nhiêu tiền giúp bạn.
1. Đó cũng là ngày nhiều phụ huynh ở Trường tiểu học Bình Trị 2 (quận Bình Tân, TP.HCM) nhận được tin nhắn xúc động trên Zalo nhóm lớp:
"Thư ngỏ,
Kính gửi đến phụ huynh lớp mình. Hiện khối 5 trường mình có một bé chẳng may mắc bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà thuê, ba mẹ bé làm công nhân.
Với tấm lòng tương thân tương ái, cô xin vận động sự hỗ trợ từ phụ huynh lớp mình để giúp bé sớm vượt qua bệnh, mau chóng trở lại trường học tập cùng bạn bè. Tấm lòng của phụ huynh sẽ là động lực giúp gia đình bé giảm bớt nỗi lo và khó khăn hiện tại. Trân trọng!".
Những ngày ấy, các bạn nhỏ học sinh đã lan truyền nhau hoàn cảnh đáng thương người bạn nữ lớp của mình.
Trong bữa cơm tối gia đình, con tôi cứ ngồi lặng lẽ như không muốn ăn. Lát sau, cậu bé chùng giọng hỏi: "Mẹ ơi, bệnh đó là bệnh gì? Bác sĩ có chữa được cho bạn Thảo Nguyên không mẹ?".
"Sẽ chữa được con à. Y học bây giờ rất giỏi, bạn sẽ mau khỏe để đến trường cùng các con", mẹ bé trả lời con.
Câu chuyện từ khoảng đầu năm nay, bé Nguyễn Phương Thảo Nguyên, học sinh lớp 5/9, bị đau nhức chân trái.
Anh Nguyễn Văn Thảo, cha bé, kể cứ nghĩ con mình còn nhỏ, thích nô đùa với các bạn, có thể chạy nhảy sai tư thế gì đó nên bị nhức chân vài hôm rồi hết.
Tuy nhiên, những cơn đau chân của bé không giảm đi mà cứ nặng dần lên. Đến một hôm gần cuối tháng 2, bé vào lớp cứ rơm rớm nước mắt than đau chân và nhờ bạn xoa bóp giùm...
Cha mẹ đưa con gái đi khám thì phát hiện bị bệnh K xương đùi trái. Và cũng từ ngày đấy, cô giáo cùng bạn bè trong lớp biết Thảo Nguyên chẳng may đã bị bệnh nặng rồi.
Cô giáo Hàng Thị Minh Đào, chủ nhiệm lớp 5/9, tâm sự: "Nghe tin Thảo Nguyên bị bệnh như vậy, nhiều bạn trong lớp rất buồn, cứ nhìn ghế bạn ngồi học đang bỏ trống. Tôi cũng rất buồn, thương cô học trò bé nhỏ nhưng quay mặt đi, vì sợ các em thấy cô giáo như vậy thì càng buồn thêm".
Cô giáo trải lòng rằng mình muốn đem đến sự lạc quan và niềm tin cho các bạn trong lớp học là Thảo Nguyên sẽ vượt qua được. Sâu thẳm trong trái tim cô cũng tin như thế...
2. Trong thời gian Thảo Nguyên chữa trị ở bệnh viện, cô Minh Đào vẫn dạy bé học online, vừa rồi cô đã mang đề thi đến tận bệnh viện để bé được hoàn thành học kỳ 2.
Các bạn trong lớp cũng cho Thảo Nguyên mượn tập vở để chép đủ những bài mà bé bị thiếu. Nhiều bạn còn xin cô giáo tổ chức cho đi thăm, nhưng cô cân nhắc vì nơi bé điều trị là khoa bệnh nặng.
Cô sợ những hình ảnh này nọ sẽ làm nặng nề tâm hồn các học trò nhỏ của mình. Cô hứa khi nào Thảo Nguyên được về nhà, cả lớp sẽ đi thăm.
Không vào bệnh viện được, nhiều bạn đã gọi điện, nhắn tin động viên và kể những câu chuyện vui nhộn cho cô bạn nhỏ của mình đỡ buồn. "Thảo Nguyên ơi, mau khỏe nhé, chúng mình nhớ bạn".
"Cô giáo và chúng mình vẫn giữ nguyên bàn học của bạn để đợi bạn trở lại lớp". Nhiều bạn còn vẽ các bức tranh đầy màu sắc vui vẻ và viết gửi bạn những câu hài hước như: "Thảo Nguyên ơi. Bạn cố gắng mau đi học nha để tụi mình cùng nhau uống sữa "hồ bơi" và cùng nhau coi mấy đứa con trai lớp mình mặc đầm nha"...
Các bạn cũng nhờ cô giáo mang vào bệnh viện để tặng bộ vẽ tranh màu cùng những cuốn truyện mà Thảo Nguyên yêu thích.
Có bạn còn gửi cả sữa, bánh kẹo, gấu bông, mèo bông, búp bê cho cô bạn nhỏ. Trong khi phụ huynh và cô giáo trong lớp góp được 18 triệu đồng hỗ trợ cha mẹ bé chữa trị cho con, thì các bạn cũng góp tiền ăn sáng giúp bạn...
Ở bệnh viện, cha mẹ Thảo Nguyên được bác sĩ trao đổi cần thực hiện phác đồ thuốc đặc trị và đến giờ bé đã vào 3 đợt thuốc trong 8 đợt. Sức khỏe bé giảm sút hẳn, chân bé lại vừa bị gãy xương.
Vấn đề nữa là dù nhận được sự sẻ chia của phụ huynh cùng lớp, nhưng cha mẹ bé đang gặp khó khăn thật sự vì thuốc men đắt tiền và hành trình chữa trị kéo dài.
Họ ở nhà thuê, làm công nhân bập bõm vì ít việc, lại còn một người con trai còn nhỏ. Cha mẹ có thể sẽ không lo nổi đến cùng việc điều trị cho con!
Hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thảo Nguyên được cô giáo chủ nhiệm Minh Đào bàn với thầy hiệu trưởng Võ Văn Phúc, rồi quyết định gửi thư ngỏ kêu gọi tấm lòng sẻ chia.
Câu chuyện ốm đau của Thảo Nguyên nhanh chóng được thầy cô tất cả các lớp tâm sự với học trò mình. Trong lúc phụ huynh toàn trường xúc động nhận thư ngỏ, thì các học sinh cũng lan truyền tình yêu thương đến bạn mình.
Có bé thu gom phế liệu trong nhà để bán lấy tiền giúp bạn, có bé xin góp tiền ăn quà của mình, có bé xin cha mẹ dừng chuyến đi chơi hè để tiền cho bạn.
Có bé nhỏ tuổi như Tạ Minh Châu, lớp 1/3, còn mang tận con heo đất lên trường để giúp bạn với số tiền hơn 1 triệu đồng mà bé đã để dành...
3. Thầy Võ Văn Phúc, hiệu trưởng Trường Bình Trị 2, trải lòng: "Các thầy cô cùng phụ huynh đều rất thương và đồng lòng giúp đỡ gia đình Thảo Nguyên, nhưng kết quả vẫn khiến chúng tôi rất bất ngờ và xúc động.
Chỉ trong vài ngày đã chung tay góp được số tiền gần 738 triệu đồng, cơ bản chắc tạm đủ để cha mẹ Thảo Nguyên có điều kiện chữa trị cho con và vượt qua gia cảnh ngặt nghèo. Trường chúng tôi ở ven thành phố, có nhiều phụ huynh là công nhân đang gặp khó khăn nhưng cũng sẵn sàng sẻ chia...".
Tâm sự thêm chuyện yêu thương, nhiều thầy cô giáo lẫn phụ huynh còn có một cảm động khác là sự quan tâm của các học trò với nhau.
Bình Trị 2 là trường tiểu học, các bé đều còn nhỏ tuổi nhưng đã biết đồng cảm với nỗi đau của bạn bè để sẻ chia, giúp đỡ nhau.
Thầy tổng phụ trách Phan Tấn Minh Vũ tâm sự: "Nhiều bé từ lớp 1 đến lớp 5 ở trường đã trực tiếp giúp bạn. Nhìn các bé như Minh Châu mới lớp 1 đã biết ôm heo đất lên trường để chia sẻ cho bạn gặp ốm đau mà chúng tôi ấm lòng vô cùng. Mong bé Thảo Nguyên sẽ khỏe mạnh trong tình yêu thương của cha mẹ, bạn bè và thầy cô".
Trò chuyện với tôi, cô giáo Minh Đào nghẹn giọng ngày ngày cô vẫn nhìn vào cái ghế trống của Thảo Nguyên và cầu mong một ngày học trò mình sẽ ngồi lại.
"Cô bé còn nhỏ quá, giá như tôi có thể san sẻ được nỗi đau với bé!", cô giáo tâm sự. Các bạn của Thảo Nguyên cũng mới gửi thêm những lời yêu thương đến bạn mình: "Mình mong bạn mau hết bệnh. Bạn nhớ giữ gìn sức cho thật tốt nha! Mọi người sẽ luôn dõi theo bạn từng phút, từng giây"...
"Con thực sự biết ơn tình cảm của thầy cô và các bạn... Thầy cô và các bạn đã luôn giúp đỡ, động viên con trong suốt khoảng thời gian này.
Con rất nhớ trường, nhớ lớp và nhớ thầy cô cùng các bạn, con nhớ những bài giảng, mình nhớ những ngày cùng học, cùng chơi, cùng ăn hàng ở căng tin.
Đặc biệt hôm nay mình nhận được rất nhiều lá thư của các bạn gửi đến, mình đã đọc hết thư của các bạn. Mình rất xúc động, mình sẽ cố gắng điều trị thật tốt để sớm được về cùng mọi người... Thôi lại tới giờ truyền thuốc. Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn nhé".
Trích thư Nguyễn Phương Thảo Nguyên
Từ một lần đi máy bay, ông hai lúa Sáu Quý từng được biết đến là 'vua cầu treo', đã mày mò chế tạo thành công chiếc 'thủy phi cơ' lướt sóng phục vụ việc xây dựng cầu và khai thác du lịch sông nước.
Xem thêm: mth.39720510151503202-ort-coh-nab-hnit-pa-ma/nv.ertiout