Trưa 15-5, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) thông báo đã kiểm xong phiếu bầu. Kết quả cho thấy Đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu. Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đứng thứ hai.
Đảng Bhumjaithai xếp thứ ba, trong khi Đảng Palang Pracharath và Đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha lần lượt xếp thứ tư và thứ năm.
Nhiều ghế nhất vẫn là chưa đủ ở Thái Lan
Quốc hội Thái Lan gồm Hạ viện và Thượng viện. Cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ chọn ra 500 ghế tại Hạ viện, do 250 ghế tại Thượng viện đã được bầu và chỉ định xong.
Cử tri Thái Lan có 2 lá phiếu. Một phiếu bầu cho các ứng viên nghị sĩ tại khu vực bầu cử của họ. Một phiếu khác bầu cho đảng mà họ "ưa thích" ở cấp quốc gia.
Cử tri chỉ trực tiếp bầu ra 400 ghế. 100 ghế còn lại được chia theo tỉ lệ số phiếu "ưa thích" mà mỗi đảng giành được. Các đảng phải đăng ký đề cử trước cho danh sách thứ hai.
MFP đang có 112 ghế từ phiếu bầu trực tiếp và 39 ghế chia theo tỉ lệ danh sách hai. Pheu Thai được 112 ghế và 29 ghế theo tỉ lệ.
Đảng Bhumjaithai đứng thứ ba về số ghế từ phiếu bầu trực tiếp. Tuy nhiên đảng này chỉ có 3 ghế theo tỉ lệ do thận trọng không đề cử nhiều.
Điều này giải thích vì sao UTN chỉ có 23 ghế bầu trực tiếp (ít hơn Bhumjaithai có 68 ghế) nhưng lại có ghế theo tỉ lệ nhiều hơn là 13 ghế.
Theo quy định, một đảng cần giành được ít nhất 251/500 ghế Hạ viện để tự thành lập chính phủ.
Kết quả hiện tại, dù chưa chính thức, cho thấy khả năng này gần như không thể. Điều đó dẫn tới kịch bản các đảng sẽ phải liên minh.
Báo Bangkok Post của Thái Lan cho biết Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã hỏi quan điểm của các đảng trước giờ kiểm phiếu. Các đảng không bắt buộc phải tuân theo đúng những gì đã nói. Và cũng chưa ai biết quan điểm của mỗi đảng về chuyện liên minh là thế nào.
Việc một đảng giành nhiều ghế nhất nhưng không thể tự thành lập chính phủ từng xảy ra năm 2019. Đó là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau đảo chính năm 2014.
Kết quả bầu cử khi ấy đã liên tục bị trì hoãn công bố. Đảng Pheu Thai giành được nhiều ghế nhất, trên cả Palang Pracharath. Song cuối cùng chính phủ lại do đảng thân quân đội liên minh lập ra.
Những chuyện còn chưa ngã ngũ
Trong cuộc bầu cử lần này, nếu Pheu Thai và MFP liên minh, họ sẽ có hơn 300 ghế. Nhưng đó là kịch bản lạc quan nhất, khi cách tính số ghế chia theo tỉ lệ không đổi.
Công thức tính do EC quy định và chỉ có cơ quan này biết rõ nhất. Năm 2019, EC liên tục đổi cách tính dẫn tới tổng số phiếu của mỗi đảng cũng đổi theo.
Ban đầu, tỉ lệ là 70.000 phiếu tương đương một ghế trong danh sách 100 ghế. Tuy nhiên sau đó EC lại giảm xuống còn 35.000 phiếu. Điều này đã giúp hơn một chục đảng từ thế "trắng tay" bỗng dưng có ghế tại Hạ viện.
Năm 2019, việc thay đổi công thức diễn ra sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ. Và lần này, chưa ai dám nói EC sẽ không thay đổi cách tính.
Một vấn đề khác là quyền thành lập chính phủ. Hiến pháp Thái Lan không quy định đây là đặc quyền của đảng giành nhiều ghế nhất. Do đó, mọi đảng đều có quyền tự tìm liên minh, miễn là chiếm quá bán 500 ghế.
Quá trình đàm phán liên minh có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Chuyên gia Olarn Thinbangtieo (Đại học Burapha, Thái Lan) tin rằng MFP sẽ liên minh với Pheu Thai.
Dự đoán này đã thành sự thật. Trong tuyên bố trưa 15-5, ông Pita Limjaroenrat tiết lộ đã liên hệ với 5 đảng khác để thành lập chính phủ. Nếu các đảng này đồng lòng, liên minh sẽ có ít nhất 309 ghế tại Hạ viện.
"Tôi đã sẵn sàng để làm thủ tướng, bất kể các vị có đồng ý hay không", ông Pita Limjaroenrat tuyên bố.
Không lâu sau tuyên bố của MFP, Pheu Thai xác nhận sẽ bắt tay với đảng này. Một quan chức của Pheu Thai khẳng định đảng này ủng hộ ông Pita Limjaroenrat làm thủ tướng.
Điều này sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ lớn của Pheu Thai. Bởi theo ông Olarn, chấp nhận Đảng Tiến bước dẫn dắt chính phủ đồng nghĩa thu hẹp cửa hồi hương của cựu thủ tướng Thaksin.
Thêm vào đó, con gái út của ông Thaksin, bà Paetongtarn Shinawatra, cũng có thể sẽ phải chấp nhận làm phó cho ứng viên thủ tướng của MFP.
Tuy nhiên, bà Paetongtarn Shinawatra cho biết việc ai lãnh đạo liên minh vẫn chưa được thảo luận. Bà cũng nói việc ông Thaksin trở về Thái Lan hay không không liên quan MFP.
Trong bài xã luận đăng sáng 15-5, báo Bangkok Post đã kêu gọi tôn trọng ý nguyện của nhân dân. Theo đó, đảng giành được nhiều phiếu nhất nên có quyền tìm kiếm khả năng lập chính phủ trước tiên. Nếu đảng này thất bại, cơ hội sẽ dành cho các đảng ở vị trí kế tiếp.
Với hiến pháp hiện tại, đều đó khó lòng mà xảy ra được.
Cửa làm thủ tướng của ông Prayuth vẫn còn?
Tại Thái Lan, bầu chọn thủ tướng là việc của lưỡng viện. Ứng viên phải giành được ít nhất 376 phiếu ủng hộ của cả Hạ viện và Thượng viện.
Các đảng có thể thỏa hiệp để ứng viên của họ hoặc đảng khác làm người đứng đầu chính phủ. Điều này dẫn tới kịch bản ông Prayut vẫn tiếp tục làm thủ tướng.
Truyền thông Thái Lan đã mặc định ông Prayut có ít nhất 250 phiếu ủng hộ từ Thượng viện. Các thượng nghị sĩ này có thể từ chối ứng viên của những đảng khác.
Với ông Prayut, việc cần làm còn lại là tìm thêm ít nhất 126 phiếu. Loại trừ số phiếu của cả Đảng Palang Pracharath và UTN (nhiều khả năng sẽ lại bắt tay như kỳ trước), ông Prayut chỉ cần tìm thêm 49 phiếu ủng hộ nữa.
Nếu kịch bản này thành sự thật, chính trường Thái Lan sẽ rơi vào bất ổn. Theo giới phân tích, chính phủ như vậy sẽ không ổn định và đối mặt nhiều khó khăn khi đề xuất các dự luật. Các đảng đối lập sẽ liên tục thách thức bằng những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử ở Thái Lan cho thấy các đảng đối lập đang dẫn trước chính quyền thân quân đội của đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Xem thêm: mth.81930750151503202-ugn-agn-auhc-auq-tek-gnuhn-gnox-ad-meik-ueihp-nal-iaht-uc-uab/nv.ertiout