Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân...
Đào tạo sĩ quan Cảnh sát trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Trước những thách thức và yêu cầu của công cuộc hội nhập quốc tế, việc xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài, hội đủ năng lực, phẩm chất, nắm bắt xu thế và đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ các cấp đến năm 2030, trong đó có yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 có từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”. Để thực hiện mục tiêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan Cảnh sát nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm việc trong môi trường quốc tế có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng.
Thiếu tướng, TS. Chữ Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS. Chữ Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Toàn cầu hoá và hội nhập đã trở thành xu thế nói chung, là vấn đề tất yếu khách quan đối với mọi quốc gia, dân tộc trong việc phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm trong tình hình mới đã và đang đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSND nói riêng cả những cơ hội và thách thức mới. Trong đó, yêu cầu cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế với những phẩm chất, tiêu chí, kỹ năng cụ thể là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, góp phần đảm đương những trọng trách lớn, cả về thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự quốc gia và duy trì trách nhiệm cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, các thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển khu vực và thế giới. Điều đó cũng đặt ra cho công tác đào tạo cán bộ sĩ quan Cảnh sát những yêu cầu, nội dung mới.
Các đại biểu điều hành phần thảo luận tại Hội thảo. |
Trên tinh thần đó, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Học viện CSND là đơn vị thường trực tổ chức Hội thảo “Luận cứ khoa học và định hướng giải pháp đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế thời gian tới.
Đổi mới chương trình, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Với tham luận “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ Công an làm việc trong môi trường quốc tế”, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Bối cảnh hiện nay với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức, tác động mạnh đến các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cán bộ chiến lược nói chung, cán bộ chỉ huy Quân đội, Công an phải có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại Hội thảo. |
Để hiện thực hoá điều này, đòi hỏi các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân phải chủ động xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng năng lực cốt lõi để cán bộ chiến sĩ CSND có thể làm việc trong môi trường quốc tế như kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế chính trị, văn hoá xã hội, lịch sử, khoa học công nghệ; kiến thức về lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo nhằm chuyển từ giáo dục kiến thức sang kỹ năng; chuyển từ dạy những gì giới học thuật có sang dạy cái thị trường cần, sẽ cần; gắn kết cơ sở đào tạo với thực tiễn; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong môi trường quốc tế.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp tham luận tại Hội thảo. |
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã chia sẻ kinh nghiệm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng đáp ứng yêu cầu thời đại. GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân cần bám sát Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; chú trọng phương pháp đào tạo, gắn học với hành, sẵn sàng tâm thế của công dân toàn cầu, tăng cường hợp tác với nhiều bạn bè quốc tế.
Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phát biểu tại Hội thảo. |
Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ cũng đã đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng CSND nói riêng trong hội nhập quốc tế thời gian qua như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Đại sứ bày tỏ mong muốn lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
PGS.TS Tumakov Albert, Đại học Matxcova Bộ Nội vụ Liên Bang Nga phát biểu tại Hội thảo. |
PGS.TS Tumakov Albert, Trưởng Khoa Luật dân sự và Lao động, Tố tụng dân sự Đại học Matxcova Bộ Nội vụ Liên bang Nga mang tên V.Y. Kikot đã chia sẻ những kinh nghiệm trong đào tạo chuyên gia nước ngoài về phòng chống tội phạm công nghệ thông tin và viễn thông.
Trong các tham luận của mình, Thạc sĩ Chiawchan Chodhirat, giảng viên Học viện Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan và Thạc sĩ Park Yohan, Phòng hợp tác quốc tế, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã đề cập đến sự cần thiết trong hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế; kinh nghiệm đào tạo lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, từ đó đưa ra những gợi ý cho công tác đào tạo tại Việt Nam.
Trung tá, TS. Bùi Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, người đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại NewYork, đã đưa ra một số yêu cầu về phẩm chất, chuyên môn đối với sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam triển khai hoạt động gìn giữ hoà bình tại Liên Hợp Quốc...
Xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND ghi nhận nỗ lực của các cục chức năng thuộc Bộ Công an, các đơn vị trực thuộc Học viện CSND đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo này.
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Đánh giá cao những kinh nghiệm thực tiễn, cách làm hay mà các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ, GS.TS Trần Minh Hưởng khẳng định, đây là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam tham khảo trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ cán bộ Công an nhân dân nói chung, sĩ quan CSND nói riêng.
Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đào tạo sĩ quan Cảnh sát làm việc trong môi trường quốc tế.
Trung tướng Trần Minh Hưởng đề nghị, Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tham luận, đóng góp của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện kỷ yếu Hội thảo; phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, hoàn thiện lý luận.
Trung tướng Trần Minh Hưởng cũng đề nghị Cục Đào tạo chủ trì, phối hợp với các học viện, trường Công an nhân dân và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng tổng thể, chi tiết về chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, trong đó có sĩ quan CSND với mục tiêu, lộ trình cụ thể; các học viện, trường Công an nhân dân cần tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng những tiêu chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế.