Tuy cơ thể chỉ cần liều lượng vitamin A rất nhỏ nhưng nếu thiếu, thừa đều sẽ gây ra rất nhiều tác hại. Nhưng nếu không tìm được nguồn, có thể phải trì hoãn bổ sung vitamin A liều cao đợt này, như vậy có tác hại gì không? Cơ quan chức năng nói gì về việc thiếu vitamin A cho trẻ?
TP.HCM thiếu nguồn cung vitamin A liều cao
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, trẻ 6 - 36 tháng cần được uống vitamin A liều cao bổ sung 2 lần/năm. Trong đó, đợt 1 vào ngày 1 và 2-6, đợt 2 vào ngày 1 và 2-12 hằng năm. Ngoài nhóm trẻ ở độ tuổi trên thì trẻ dưới 6 tháng tuổi không được nuôi bằng sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A đều được uống bổ sung.
Như vậy, tính đến ngày 16-5 thì chỉ còn hơn nửa tháng nữa sẽ đến đợt cho trẻ ở độ tuổi khuyến cáo trên uống vitamin A liều cao đợt 1 (ngày 1 và 2-6). Tuy nhiên, tại TP.HCM và hầu khắp các tỉnh thành đang thiếu nguồn cung ứng dùng cho chương trình y tế.
TP.HCM đã có văn báo cáo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Cục này đã đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A.
Theo quy định, từ năm 2023, các tỉnh thành phải chủ động xây dựng kế hoạch mua vitamin A (cũng như vắc xin và nhiều vật tư, thuốc vốn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Y tế mua trước đây) từ nguồn kinh phí địa phương/các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương.
Các địa phương loay hoay vì đấu thầu những mặt hàng đặc thù như thế này không dễ, nhưng khó khăn hơn nữa là không tìm đâu ra hàng.
Tình trạng đến "chiến dịch" mà không có vitamin A liều cao cho trẻ uống đã xảy ra những năm trước. Gần nhất là trong chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao ngày 1 và 2-12-2022, TP.HCM phải thông báo tạm hoãn toàn thành phố vì chưa nhận được nguồn thuốc từ Viện Dinh dưỡng. Sau hơn 1 tuần thì TP mới nhận được thuốc.
Đại diện một tỉnh phía Bắc khác lo lắng chiến dịch đã sắp đến nơi mà kho của họ hầu như trống rỗng, không có vitamin A liều cao. "Có chăng chỉ là một số lượng nhỏ do giảm được tỉ lệ hao hụt ở các đợt uống trước đây, trong khi tỉnh chúng tôi có đến 100.000 trẻ trong độ tuổi này" - ông cho biết.
Tại Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết hiện thành phố đã hết nguồn cung cấp vitamin A cho các trạm y tế. Trung tâm nhận được công văn từ Cục Quản lý dược vào cuối tháng 4 vừa qua, yêu cầu các địa phương tự tìm nguồn mua vitamin A. Tuy nhiên hiện nay đang rất lúng túng, chưa biết mua ở đâu và quy trình mua sắm thế nào vì từ trước đến nay đều nhận phân bổ từ trung ương.
Trung tâm cũng đang làm công văn gửi xin ý kiến Bộ Y tế và tham khảo từ các địa phương khác để tìm nguồn cung, nhưng do thời gian cập rập, trung tâm lo lắng có khả năng vào đợt uống bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ vào 1-6 sắp tới sẽ không có nguồn vitamin A cung cấp cho các trạm y tế.
Chủ động bổ sung vitamin A từ dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), vitamin A là một vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng,trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu thiếu vitamin A, trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh thì thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết thêm cơ thể chỉ cần vitamin A với liều lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra rất nhiều tác hại. Vitamin A có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng và cho trẻ uống vitamin A liều cao định kỳ mỗi 6 tháng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Vitamin A có tác dụng trên võng mạc, giúp mắt có thể thích nghi với sự thay đổi "sáng - tối" một cách nhanh chóng. Vì vậy, thiếu hụt vitamin A đồng nghĩa với khả năng nhìn trong môi trường ánh sáng yếu bị giảm, biểu hiện sớm là hiện tượng quáng gà xuất hiện khi trời nhá nhem tối.
Bên cạnh chức năng về thị giác, vitamin A còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ toàn vẹn các tế bào biểu mô ở mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu.
Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, tế bào bị khô và xuất hiện sừng hóa. Biểu hiện này thường thấy ở mắt bắt đầu là khô kết mạc, sau đó tổn thương đến giác mạc và có thể gây loét, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Không những thế, vitamin A còn tham gia quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng kháng thể chống lại bệnh tật. Thiếu vitamin A, trẻ dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn và khi mắc bệnh thì thời gian điều trị kéo dài và tăng nguy cơ tử vong.
Vitamin A còn có vai trò trong sự tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Còn thiếu sẽ làm trẻ chậm lớn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho rằng trường hợp không có kịp vitamin A liều cao cho trẻ uống đợt này, phụ huynh cần chủ động bổ sung vitamin A qua dinh dưỡng hàng ngày. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A thường có trong rau trái màu vàng, đỏ như bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ, màu xanh đậm, gan động vật.
Bác sĩ Oanh cho biết thêm để phòng ngừa trẻ thiếu vitamin A cần cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
Hôm nay họp tìm nguồn vitamin A
Theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, cục đã có văn bản gửi các tỉnh thành về vấn đề này, hôm nay (16-5) Cục Quản lý dược sẽ có cuộc họp với Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) xung quanh việc tìm nguồn vitamin A, nhưng khó khăn là loại vitamin A liều cao sử dụng cho chương trình lại đang bị ách tắc về thủ tục tại Canada, còn ba số đăng ký vitamin A hiện có tại Việt Nam lại là vitamin A liều thông thường.
"Vì thế nên vitamin A liều cao chưa đủ hồ sơ để cấp số đăng ký và cung ứng cho chương trình. Nhưng việc tìm thêm nguồn ở đâu, có lùi thời gian chiến dịch hay không... thì sau cuộc họp 16-5 chúng tôi sẽ thông báo" - Cục Quản lý dược cho biết.
L.ANH
Hiện chỉ có 3 thuốc vitamin A có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cục Quản lý dược yêu cầu tăng cường nguồn cung ứng vitamin A.
Xem thêm: mth.74800813251503202-oas-iv-gnaht-63-6-ert-ohc-gnus-ob-ed-a-nimativ-nougn-nac/nv.ertiout