Theo Hãng tin AFP, thông báo ngày 15-5 của nhà đấu giá Christie's cho biết cuộc đấu giá bộ sưu tập trang sức thực hiện tại Geneva, Thụy Sĩ tuần trước, kết thúc với con số 202 triệu USD.
Đây là kỷ lục mới đối với một bộ sưu tập trang sức. Kỷ lục trước đó được thiết lập trong cuộc đấu giá năm 2011 với bộ sưu tập trang sức của nữ diễn viên Elizabeth Taylor với giá gần 116 triệu USD.
Bộ sưu tập này thuộc về bà Heidi Horten sinh năm 1941. Nữ tỉ phú mất năm ngoái ở tuổi 81 và để lại khối tài sản trị giá 2,9 tỉ USD. Phần lớn tài sản của bà đến từ các tác phẩm nghệ thuật bà sưu tập, theo tạp chí Forbes.
Cuộc đấu giá trên bị cộng đồng người Do Thái phản đối. Báo cáo do các nhà sử học được Tổ chức Horten ủy quyền công bố hồi tháng 1-2022 cho biết chồng bà Heidi Horten - ông Helmut Horten - từng là thành viên của Đức Quốc xã trước khi bị khai trừ. Ông qua đời ở Thụy Sĩ năm 1987.
Năm 1936, ba năm sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông Horten tiếp quản công ty dệt may Alsberg, có trụ sở tại thành phố Duisburg (Tây Đức), sau khi những người chủ Do Thái của công ty bỏ trốn.
Sau đó, ông tiếp quản nhiều cửa hàng khác từng thuộc sở hữu của người Do Thái trước chiến tranh. Các chuyên gia cho rằng ông có thể đã làm giàu cá nhân trong giai đoạn này.
Số trang sức bà Horten để lại gồm hơn 700 món. Tuy nhiên, để dễ tìm người mua, nó được phân ra bán theo từng đợt.
Những lô cuối cùng của bộ trang sức dự kiến sẽ mở bán trong tháng 11 năm nay. Trong những tuần gần đây, trước làn sóng chỉ trích, phía Christie's cho biết theo nguyện vọng của bà Heidi Horten quá cố, toàn bộ số tiền thu được sẽ được quyên góp cho các hoạt động từ thiện.
Bất chấp các nhóm Do Thái phản đối và yêu cầu ngừng tổ chức cuộc đấu giá, sự kiện vẫn diễn ra. Christie's cam kết quyên góp một phần đáng kể trong khoản hoa hồng của mình cho các tổ chức nghiên cứu và giáo dục về nạn diệt chủng nhưng không đình chỉ cuộc đấu giá.
Học giả Abraham Cooper, một trong những lãnh đạo của Trung tâm Simon Wiesenthal chuyên điều tra về Đức quốc xã, mỉa mai rằng cuộc đấu giá là sự tưởng thưởng cho những gia đình có thể đã làm giàu "từ những người Do Thái tuyệt vọng bị Đức quốc xã nhắm mục tiêu và đe dọa".
Trong khi đó, ông Yonathan Arfi, chủ tịch Hội đồng đại diện của các tổ chức Do Thái ở Pháp, gọi cuộc đấu giá là "không đàng hoàng".
Hàng loạt sắc phong được cho là của Việt Nam dưới triều Nguyễn, triều Tây Sơn, triều Lê - Trịnh bất ngờ xuất hiện trên một sàn đấu giá cổ vật ở Trung Quốc.
Xem thêm: mth.20435509061503202-dsu-ueirt-002-noh-aig-iov-nab-cud-tix-tahp-ioht-cus-gnart-iac-hnart/nv.ertiout