Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, đến 15/5/2023, với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong suốt 2 tháng qua, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà doanh nghiệp sau khi rà soát, đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định cần được nhắn tin thông báo, đề nghị người sử dụng chuẩn hóa thông tin, đã có hơn 2,8 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa.
Cụ thể, hơn 2,85 triệu thuê bao (74,21%) thực hiện chuẩn hóa (trong 3 giai đoạn: sau khi nhận được thông báo (từ 15/3-31/3), sau khi bị khoá 1 chiều (từ 31/3) và sau khi bị khoá 2 chiều (từ 15/4).
Tuy nhiên, vẫn có hơn 985.000 thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao. Với các số đã bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định tại điểm h khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Các kết quả đạt được nêu trên là do người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin đầy đủ, chính xác với thông tin của bản thân là rất quan trọng, khi chiếc điện thoại đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt là sự vào cuộc, thực hiện đồng bộ của các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp thông báo (nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên gặp trực tiếp phù hợp với từng tập thuê bao); chuẩn hoá (trực tiếp, trực tuyến).
Bên cạnh đó là sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan báo chí, truyền thông, từ 15/3-15/5, thường xuyên đưa các tin bài, hướng dẫn người sử dụng thực hiện công tác chuẩn hoá.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trong tháng 5 và 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thanh tra diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông di động (đang triển khai từ tháng 4-6/2023), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nhất là với tập thuê bao đang sử dụng, sở hữu nhiều SIM /giấy tờ (>=10 SIM/giấy tờ).
Bộ sẽ đôn đốc kiểm tra việc ngăn chặn, thu hồi các số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chống các cuộc gọi rác cũng đóng vai trò quan trọng. Để hạn chế cuộc gọi rác, người dân cần có ý thức về việc không cung cấp số điện thoại của mình trên môi trường mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người sử dụng dịch vụ nâng cao ý thức, không sử dụng, tiếp tay cho việc mua bán các SIM không đúng quy định trên thị trường, đồng thời khi phát hiện SIM di động đang sử dụng có thông tin không đúng với thông tin của bản thân (thông qua việc gửi tin nhắn TTTB gửi 1414 – hoàn toàn miễn phí) thì chủ động liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để cập nhật nhằm bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và góp phần hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS giả. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hiện nay.