EVN nặng phí điện than
Sau khi EVN quyết định tăng giá bán lẻ điện 3%, lên mức bình quân 1.920,37 đồng/kWh, doanh thu giai đoạn tháng 5 - 12/2023 của tập đoàn này được dự báo sẽ tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng, phần nào vơi bớt áp lực tài chính vốn đang đè nặng (năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện và các hoạt động liên quan của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Việt Nam từ trước đến nay luôn dựa vào nhiệt điện than để duy trì giá điện thấp nhằm thúc đẩy sản xuất, nhưng hợp đồng mua bán điện cho các dự án nhiệt điện than quy định, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng bao nhiêu thì EVN sẽ phải chịu chi phí đó. Vì vậy, với việc giá than tăng mạnh, áp lực từ mua điện than của EVN vẫn đang rất lớn.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, giá mua điện bình quân của EVN trên thị trường điện đối với các loại hình là 1.844,9 đồng/kWh, gần bằng giá bán điện khi chưa tăng là 1.864,44 đồng/kWh. Trong đó, riêng điện than có giá phổ biến trong khoảng 1.955,5 - 2.100,4 đồng/kWh, cao đáng kể so với mức giá trần của các loại nguồn điện khác.
Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn còn phải mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá 4.000 đồng/kWh. Nguyên nhân là do giá than nhập khẩu tăng mạnh, đạt 2.400 đồng/kg, có thời điểm lên tới gần 4.000 đồng/kg. Than trộn nhập khẩu mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho EVN cũng cao, dao động quanh mức 4.000 đồng/kg.
Gần đây, giá than đá thế giới tháng 5/2023 giảm hơn 4% so với tháng 4 và giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, xuống 169,6 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với thời điểm trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra (24/2/2022) và cao hơn gần 88% so với cùng kỳ năm 2021.
Miền Bắc có hai loại hình điện chính là thuỷ điện và điện than, thủy điện đang dần bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trong khi điện than có chi phí nguyên liệu cao.
Chi phí sản xuất - kinh doanh điện ở mức cao, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành chỉ tăng 3% kể từ năm 2019 đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí, dẫn đến ngành điện được dự báo còn gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, điện than, điện khí và thuỷ điện là ba nguồn quan trọng để duy trì công suất nền của ngành điện. Tuy nhiên, tại miền Bắc - khu vực đang rất “nóng” về vấn đề năng lượng chỉ có hai loại hình điện chính là thuỷ điện và điện than (điện khí tập trung chủ yếu ở phía Nam). Đối với thuỷ điện, thời tiết bắt đầu bước vào giai đoạn El Nino, mưa ít, thuỷ văn kém, nên các nhà máy thuỷ điện có thể sớm mất lợi thế.
Do đó, chi phí mua điện than đang ở mức cao, nhưng EVN khẳng định, công suất điện than phải được duy trì.
Lợi nhuận quý I/2023 nhóm nhiệt điện sụt giảm
Quý I/2023, sản lượng điện toàn quốc đạt 61,83 tỷ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu điện nhóm ngành công nghiệp giảm. Điều này cũng phản ánh vào kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023 của các doanh nghiệp nhiệt điện than không đạt như kỳ vọng.
Cụ thể, Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) ghi nhận doanh thu 1.310,6 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do doanh thu tăng chậm hơn mức tăng của giá vốn (24%) nên lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 40 tỷ đồng.
Với Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND), sản lượng điện quý I/2023 thấp hơn cùng kỳ 361,1 triệu kWh, nhưng doanh thu tăng 1,2%, đạt 2.571 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá than tăng, giúp giá bán điện cao hơn. Mặc dù vậy, chi phí nhiên nguyên liệu tăng vọt khiến giá vốn hàng bán tăng 13,7% (tăng 303,5 tỷ đồng), dẫn tới lãi sau thuế giảm còn hơn hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 258 tỷ đồng.
Tương tự, Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP) đạt doanh thu 2.995,2 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 15%, song lợi nhuận sau thuế giảm còn 143,9 tỷ đồng, tương đương giảm 58% so với cùng kỳ.
Ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia phân tích năng lượng, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho biết, các doanh nghiệp điện than sử dụng 2 loại đòn bẩy: đòn bẩy tài chính và đòn bẩy hoạt động. Việc tài sản cố định cao đi kèm với nợ lớn dẫn đến chi phí cố định cũng lớn (thông qua khấu hao và bảo dưỡng) và chi phí lãi vay cao.
Do đó, sản lượng điện phải đạt được mức cao thì phần lãi (doanh thu - chi phí biến đổi) mới đủ bù đắp được chi phí cố định và chi phí lãi vay. Nói cách khác, sản lượng cần vượt điểm hoà vốn thì phần chênh lệch đó mới trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Nếu sản lượng tăng càng nhiều thì chênh lệch càng lớn, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp càng tăng. Do đó, doanh thu các doanh nghiệp tăng là do giá đầu vào chuyển sang giá đầu ra, không phải do sản lượng tăng”, ông Hà nói.
Trong giai đoạn tới, sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục suy giảm, nhưng Trung tâm Khí hậu Thuỷ văn Quốc gia dự báo về một mùa hè nắng nóng hơn (nhiệt độ tăng khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm), nhu cầu về sử dụng điện sẽ tăng mạnh, thúc đẩy lĩnh vực tiêu dùng tăng và bù đắp cho công nghiệp sụt giảm. Do đó, sản lượng huy động của điện than được kỳ vọng tăng cao, giúp lợi nhuận khả quan hơn.
Áp lực nguồn than
Bên cạnh việc giá than ở mức cao, EVN đang lo ngại nguồn cung than có thể không đáp ứng đủ nhu cầu trong mùa hè này. Tập đoàn cho biết, nhiều nhà máy điện của EVN và các tổng công ty phát điện chưa đạt được mức tồn kho than theo quy định.
Hiện tại, khả năng cung cấp than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là gần 46 triệu tấn, thấp hơn 6 triệu tấn so với khối lượng đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 163/QĐ-BCT ngày 6/2/2023; riêng các nhà máy của EVN thiếu 1,3 triệu tấn.
Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, sản lượng than đang sụt giảm khi một số mỏ than gặp khó khăn trong khai thác và khả năng huy động hạn chế. Cụ thể, mỏ than Cao Sơn theo gia hạn giấy phép chỉ còn 723.000 tấn; ước tính 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng đạt 948.000 tấn, giảm 49,1% so với cùng kỳ.
Mỏ than Cọc Sáu vẫn đang xử lý bùn đất từ mùa mưa năm 2022, không khai thác được do không có diện tích mở rộng, hệ số bóc đất cao, giá thành vượt giá bán; ước tính 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng đạt 143.000 tấn, giảm 59,5% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Tổng công ty Phát điện 2 ngày 26/4/2023, ông Dương Sơn Bá, Tổng giám đốc Nhiệt điện Hải Phòng cho hay, tình trạng thiếu nhiên liệu than đầu vào dẫn đến Công ty chỉ có thể hoạt động 3 tổ máy, ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản lượng điện năm 2023.
Về than nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập than antraxit và bán antraxit, bitum và abitum cho sản xuất điện, nhưng nguồn cung than trên thế giới hiện không đủ đáp ứng nhu cầu. Xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt, khiến nhu cầu sử dụng điện than trên toàn cầu tăng trở lại (theo IEA, nhu cầu sử dụng than toàn cầu năm 2022 chỉ tăng 1,2%, nhưng lần đầu tiên vượt ngưỡng 8 tỷ tấn).
Trước lo ngại này, EVN đã yêu cầu các nhà máy điện đa dạng hoá nguồn than cung cấp, không những nhập than trực tiếp từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc, mà cần chủ động tìm kiếm nguồn than hợp pháp để đủ than cho sản xuất điện.
Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Hải Phòng cũng nhận được chỉ đạo về việc bám sát các hợp đồng cung cấp than đã ký, đồng thời rà soát nguồn cung cấp than khác để giải quyết vấn đề nhiên liệu, đảm bảo than phục vụ sản xuất điện trong những tháng cao điểm.