Các ngân hàng lớn đã điều chỉnh giảm 0,2 - 0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng giảm từ 5,4%/năm còn 5,1%/năm, 6 - 9 tháng từ 6,2 %/năm xuống còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.
VietinBank cũng giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm... Mức lãi suất 8,2%/năm khi gửi online với kỳ hạn 12 tháng cũng đã biến mất.
Trong khi đó, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1 - 2 tháng tại nhà băng này hiện ở mức 4,6%/năm và 3 - 5 tháng là 5,1%/năm.
Bên cạnh đó, nhóm tư nhân cũng điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3 điểm % lãi suất huy động cho các kỳ hạn khác nhau. Hiện mức lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,7% dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất, với các kỳ hạn trên 12 tháng, VPBank điều chỉnh giảm 0,2%/năm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 - 13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 - 36 tháng giảm về 7,2%/năm.
Tương tự, TPBank cũng giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động như: HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank, MSB… Hiện mức lãi suất trên 9%/năm trong ngân hàng đã biến mất. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trên thị trường phổ biến ở mức 7 - 8,5%/năm. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái khi có thời điểm lãi suất lên tới 12%/năm, lãi suất tiết kiệm đã giảm rất mạnh.
Từ đầu năm đến nay, chính sách lãi suất của Việt Nam đã bắt đầu đảo chiều. Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.
Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân từ 1 - 1,2%; lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5 - 0,65%.
Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước - những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Tại một hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ việc có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành, nhằm hạ lãi vay. Trên cơ sở này, lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm tiếp.
Trong báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán mới đây đều cùng chung nhận định lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay. Con số này được đưa ra dựa trên nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Ngoài ra, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm.
VTV.vn - Lãi suất huy động đồng loạt giảm tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn vốn đã neo lãi suất ở mức thấp trong nhiều tháng qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.91905354161503202-meik-teit-taus-ial-maig-cut-peit-gnah-nagn-nol-gno-cac/et-hnik/nv.vtv