Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 16-5, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5.
G7 là viết tắt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ý và Canada.
Nhật Bản giữ ghế chủ tịch G7 luân phiên năm 2023. Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng năm nay được tổ chức tại Hiroshima của Nhật Bản.
Hội nghị G7 mở rộng diễn ra ngày 20 và 21-5, là một phần của Hội nghị thượng đỉnh G7 (từ ngày 19 đến 22-5).
Hội nghị G7 mở rộng dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường". Đây là lần đầu tiên hội nghị mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Việt Nam đã ba lần được mời đến Hội nghị G7 mở rộng. Lần đầu tiên là vào năm 2016, cũng vào năm Nhật Bản giữ chức chủ tịch của nhóm.
Lời mời của Nhật Bản đã mở đường cho Canada mời Việt Nam đến Hội nghị G7 vào năm 2018.
Hôm 20-3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiết lộ ông muốn mời lãnh đạo 8 nước đến Hiroshima.
8 nước đó gồm Việt Nam, Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các nước này không thuộc G7, song là đối tác quan trọng mà Tokyo muốn tăng cường quan hệ hơn nữa.
Đông Nam Á là khu vực duy nhất có hai nước được Nhật Bản mời, gồm Việt Nam và Indonesia. Việc mời Indonesia là điều dễ hiểu bởi nước này đang là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023.
Hiện Nhật Bản đang thúc đẩy việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ năm của ASEAN. Hai bên cũng đang chuẩn bị hội nghị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ trong năm nay.
Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025). Việt Nam cũng là nước có tiếng nói quan trọng trong ASEAN. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ.
Do đó, việc Nhật Bản mời Việt Nam đến Hội nghị G7 mở rộng rất có ý nghĩa. Điều này không chỉ cho thấy sự coi trọng của nước chủ tịch G7 mà còn của nhóm này đối với vị thế, vai trò của Việt Nam tại khu vực.
Các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị G7
Hội nghị G7 mở rộng sẽ thảo luận 3 chủ đề là:
- Hợp tác xử lý đa khủng hoảng (tập trung vấn đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới).
- Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững (khí hậu, môi trường, năng lượng).
- Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng (các vấn đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương).
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự các phiên thảo luận về 3 chủ đề trên. Thủ tướng cũng sẽ có một số cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Bên lề Hội nghị G7, Thủ tướng sẽ hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio. Ông cũng đến thăm cộng đồng người Việt và gặp lãnh đạo Hiroshima. Người đứng đầu Chính phủ dự kiến dự tọa đàm doanh nghiệp và một số hoạt động khác.
Bộ Ngoại giao khẳng định sẵn sàng cùng các nước ASEAN đưa quan hệ với Nhật Bản lên tầm cao mới trong năm 2023, đồng thời trả lời về khả năng lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị G7 tại Hiroshima.
Xem thêm: mth.52804931161503202-nab-tahn-iat-gnor-om-7g-ihgn-ioh-ud-es-hnihc-hnim-mahp-gnout-uht/nv.ertiout