Ngày 16-5, đoàn công tác của Bộ GTVT do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu, đến kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Mục tiêu phấn đấu của chủ đầu tư là đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023, tuy nhiên, đến nay chỉ đạt khoảng 3%. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang, địa phương đã bàn giao 39/46,9km. Trong đó chiều dài mặt bằng có thi công được là 38km, mặt bằng cầu có thể thi công được là 33/40 cầu.
Còn tại dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau, địa phương đã bàn giao 74,7/89,8km. Trong đó chiều dài mặt bằng có thể thi công được là 62,2/73,2km tuyến chính và 6,5/16,5km tuyến nối; mặt bằng cầu có thể thi công được 69/86 cầu.
Về bố trí tái định cư, tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tự cân đối bố trí các khu có sẵn. Tỉnh Kiên Giang sẽ xây mới một khu tái định cư với diện tích khoảng 4,9ha, hiện đang triển khai thủ tục lập dự án đầu tư. Tỉnh Hậu Giang đang thi công san lấp bốn khu tái định cư, dự kiến tháng 6-2023 sẽ thực hiện bốc thăm nền cho các hộ dân.
Về tiến độ thi công, chủ đầu tư đặt mục tiêu phấn đấu đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023. Tuy nhiên, đến nay, tổng sản lượng của dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang chỉ đạt 2,4%, còn dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau chỉ đạt 2,9%.
Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ không hài lòng trước việc tổ chức thi công của một số nhà thầu chưa tương xứng với quy mô của dự án cao tốc. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khách quan là do mặt bằng bàn giao không liên tục, một số vị trí tiếp cận đường vào thi công vẫn còn vướng mặt bằng; nguồn vật liệu cát khan hiếm... Tuy nhiên, lý do chủ quan là các nhà thầu chưa chủ động tích cực huy động thiết bị, vật tư triển khai thi công.
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ không hài lòng trước việc tổ chức thi công của một số nhà thầu chưa tương xứng với quy mô công trình.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ GTVT xác định dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án có nhiều khó khăn cả về vật liệu lẫn điều kiện địa chất. Do đó, khi chọn nhà thầu, Bộ đã cân nhắc chọn các đơn vị đủ mạnh và có kinh nghiệm để thi công. Tuy nhiên, qua gần sáu tháng thi công, sản lượng chung của dự án chỉ khoảng 3% là chưa chấp nhận được.
“Chủ đầu tư rất sốt ruột, nhưng công trình thì dường như bế tắc, tình hình này, rất lo ngại là mục tiêu phấn đấu đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023 là không thể hoàn thành. Tinh thần thi công hiện nay chưa phải là tinh thần làm dự án cao tốc mà các đơn vị đã cam kết trước đó” - Thứ trưởng Bộ GTVT nhận xét.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng dự án có thuận lợi lớn là khi khởi công đã có mặt bằng lớn, do đó, việc còn lại là các nhà thầu cần tập trung nhân lực, thiết bị để tổ chức đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: CHÂU ANH |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, dự án có thuận lợi lớn là khi khởi công đã có mặt bằng lớn. Do đó, việc còn lại là các nhà thầu cần tập trung nhân lực, thiết bị để tổ chức đẩy nhanh tiến độ thi công. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng yêu cầu các liên danh cần kiện toàn nhân sự ban điều hành. Đồng thời, lựa chọn đơn vị mạnh nhất để làm điều phối, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị trong liên danh khi gặp khó khăn trong quá trình thi công.
Về vấn đề cát, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho hay Bộ TN&MT sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh có nguồn cát, như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí mỏ cát để phục vụ cho việc thi công dự án.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng.
Dự án đi qua địa bàn TP Cần Thơ và bốn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng.