Theo dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 (sau đây gọi tắt là nghị quyết đặc thù), HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện dự án. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến chuyên gia xung quanh vấn đề này.
- Ông Nguyễn Hải Long (trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL):
Ưu tiên phát triển theo quy hoạch
Nếu có cơ chế chuyển đổi và sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, TP.HCM cũng sẽ hạn chế được tình trạng lãng phí đất nông nghiệp khi bị phân lô, bán nền, chia lẻ, manh mún.
Theo quy định, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất thương mại, dich vụ, đất ở... từ 10ha trở lên phải được Thủ tướng phê duyệt. Khi TP có nghị quyết 54 thì diện tích có được tăng thêm. Dự thảo nghị quyết đặc thù cho phép HĐND TP được quyết định chuyển đến dưới 500ha đất lúa với trình tự và thủ tục do HĐND chủ động quyết định.
Nếu được mở rộng thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất lúa cho dự án ở, tôi cho rằng TP.HCM chủ động sử dụng hiệu quả quỹ đất của TP. Việc mở rộng quyền cho HĐND TP tạo thuận lợi rất lớn cho TP. Thay vì trước đây doanh nghiệp muốn thực hiện dự án có chuyển đổi đất lúa phải trải qua các thủ tục đăng ký với TP và TP trình ra các cơ quan Trung ương tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt mất nhiều thời gian hơn thì nay HĐND TP sẽ duyệt luôn.
- Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Không để lãng phí lợi thế
Giá trị đóng góp của đất nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn TP không đáng kể so với đất thương mại, dịch vụ. Qua tính toán, giá trị 1ha đất nông nghiệp tại TP mang lại thu nhập khoảng trên dưới 500 triệu đồng/năm trong khi 1ha đất thương mại dịch vụ mang lại thu nhập khoảng 55 tỉ đồng/năm. Hoặc nếu so sánh thu nhập của quận 7 vào năm 1997 khi mới tách ra từ huyện nông nghiệp Nhà Bè so với quận 7 đô thị vào năm 2019 đã tăng hơn 100 lần.
Tuy nhiên, với việc Trung ương tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi chỉ tiêu sử dụng đất lúa thì TP.HCM có nắm lợi thế chủ động, bứt phá trong thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay không còn phụ thuộc vào điều kiện chủ quan và tầm nhìn của TP.
Chỉ khi TP có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tốt, cùng với nguồn lực đầu tư công giải ngân tốt thì sẽ phát huy được hiệu quả của quỹ đất. TP cần thực hiện tổng thể các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, trung tâm tài chính quốc tế, quy hoạch công nghiệp, chương trình phát triển nhà ở, tích hợp phát triển hệ thống giao thông vành đai 1, 2, 3, 4, các trục xuyên tâm...
Cùng với đó, để không lãng phí lợi thế nghị quyết đặc thù, TP phải có các kế hoạch nhằm hiện thực hóa các quy hoạch sử dụng đất để tạo ra hiệu quả.
Chủ động lựa chọn sử dụng đất
Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường TP báo cáo cho UBND TP về kế hoạchsử dụng đất 5 năm 2021-2025. Theo đó, về kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 684ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở và chuyển 9.867ha đất (trong đó có hơn 3.331ha đất lúa) sang đất phi nông nghiệp.
Theo báo cáo này, đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp toàn TP còn hơn 88.000ha, chiếm tỉ lệ hơn 42% tổng diện tích đất TP (205.650ha) tập trung ở các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, TP Thủ Đức (khu vực Q.9 cũ).
Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng với định hướng phát triển ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ mà cơ cấu đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao như vậy là chưa hợp lý. TP không nhất thiết phải ưu tiên giữ diện tích trồng lúa cũng như các loại lương thực, thực phẩm khác.
Trong khi đó do yêu cầu phát triển và tốc độ đô thị hóa cao, TP rất cần chuyển đất nông nghiệp sang các loại đất khác để bố trí cho nhu cầu nhà ở, dự án, phát triển thương mại, du lịch, hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao...
Đến năm 2020, trên địa bàn vẫn còn 562 công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, 117 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 73 dự án phát triển đô thị; 31 dự án công nghiệp; 29 dự án giáo dục; 18 dự án thương mại, dịch vụ...
Trong đó có một số dự án quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các tuyến vành đai, tuyến metro số 4b, tuyến metro số 5, Depot Đa Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Khu đô thị Bình Quới Thanh Đa...
Các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch các ngành có sử dụng đất cũng chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cùng với đó là việc thiếu tính đồng bộ (về không gian, thời gian và tiến độ thực hiện) giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có sử dụng đất.
Thông tin về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP.
Xem thêm: mth.96181913261503202-gnav-hnaht-aul-tad-neyuhc-iom-ehc-oc-nac/nv.ertiout