Tháng 6-2022, nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không tiền mặt. Đến nay, phần lớn các trường phổ thông, đặc biệt tại TP.HCM, đã "số hóa" thanh toán học phí.
Tiện lợi nhưng liệu có rủi ro?
Chị Mỹ Nga - phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) - ủng hộ từ ngày đầu khi mô hình thanh toán học phí không tiền mặt được áp dụng tại trường. Là chuyên viên cho một tổ chức tín dụng, chị thường "tối mắt tối mũi" chạy theo các dự án. Vậy mà hồi con học tiểu học, mỗi đợt đóng học phí, chị phải bỏ ít nhất một buổi chạy từ chỗ làm đến trường, cách hơn 10km, chỉ để nộp tiền cho thủ quỹ.
"Khi chuyển sang thanh toán học phí trực tuyến, tôi đỡ vất vả hơn hẳn. Tôi còn biết từng khoản tiền thành phần, tất cả đều được thể hiện rõ ràng trên ứng dụng. Tôi cũng được cập nhật tình trạng đóng tiền của con ra sao", chị Nga cho biết.
Tuy nhiên, chị đang lo độ ổn định của các ứng dụng này. Nếu mỗi năm trường lại đổi một app thì rất vất vả cho phụ huynh, nhất là những người không rành công nghệ. "Chưa kể năm học tới, đứa con thứ hai của tôi bắt đầu học tiểu học. Tôi nghe nói trường của nó dùng ứng dụng khác với trường của đứa lớn. Dùng hai app khác nhau hơi bất tiện", chị Nga nói.
Trong khi đó, anh Văn Nam - có con học lớp 5 ở Trường tiểu học B, quận Bình Tân - thì lo ngại chuyện bảo mật vì phải cung cấp nhiều thông tin cho một ứng dụng thứ ba khi thanh toán học phí. Vì phải tải app và kê khai nhiều thông tin, anh Nam thắc mắc: "Dùng phần mềm trung gian cũng được, trả phí cũng được, với tôi số phí không đáng kể, nhưng tôi ngại nhất là chuyện lộ thông tin".
Cần liên tục cải tiến
Ông Ngô Doãn Chính - tổng giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh, đơn vị triển khai hệ thống quản lý nguồn thu trường học SSC hiện đang được phần lớn các trường tại TP.HCM sử dụng - cho biết ngay từ khi thiết kế hệ thống SSC đã đưa việc mã hóa và bảo mật dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp trải nghiệm khách hàng tối ưu nhất có thể.
Hiện nay, chỉ bằng một mã số (mã SSCID), khách hàng có thể thanh toán trên hầu hết các kênh sẵn có của ngân hàng, các đơn vị ví điện tử. Thậm chí, phụ huynh có thể thanh toán ở những điểm như cửa hàng tiện lợi, bách hóa xanh với thao tác như nộp tiền điện nước.
Đặc biệt, ông Chính cho rằng việc kết nối dữ liệu học phí thông qua mã SSCID giúp thông tin khách hàng được bảo mật, lưu trữ tốt và thuận tiện khi tích hệ thống từ mã SSCID. Nền tảng cũng có thể mã hóa dữ liệu thanh toán qua công nghệ QR code, giúp khách hàng chuyển khoản nhanh gọn, đơn giản thông qua tài khoản sẵn có.
Ông Chính chia sẻ ngay từ đầu khi xây dựng dự án, SSC đã mong muốn có sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Tiện lợi đầu tiên và trên hết là hàng triệu khách hàng không phải "xếp hàng thanh toán học phí".
Cụ thể trong xu hướng sử dụng công nghệ big data và phân tích dữ liệu người dùng, SSC sẽ triển khai các dịch vụ bảo hiểm học sinh, tín dụng giáo dục, hồ sơ xác thực dựa trên căn cước công dân hoàn toàn số hóa để với một chạm duy nhất, người dân có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ trên nền tảng số.
TTO - Hiện nay vẫn chưa có quy định các giao dịch giá trị lớn như mua nhà đất, xe cộ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Xem thêm: mth.60041139071503202-ppa-ueihn-ol-ion-tam-neit-gnohk-ihp-coh-uht/nv.ertiout