Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý II, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng cho thu hoạch. Nguồn cung trái cây rất dồi dào đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khiến có thời điểm giá nhiều loại giảm.
Với 84.000 ha, năm nay tỉnh Sơn La dự kiến sản lượng trái cây đạt khoảng 450.000 tấn. Vùng xoài gần 4.000 ha của huyện Mai Sơn sẽ bước vào thu hoạch vào giữa tháng 6.
Bên cạnh niềm vui được mùa, năm nay, nông dân Sơn la đang tích cực chuẩn bị khi địa phương có thêm nhà máy chế biến sẽ khánh thành trong vài ngày tới. Bao trái tuy tốn công và chi phí, nhưng là cách để có được sản phẩm chất lượng nhất, sạch nhất.
Xoài hiện là nông sản có số lượng tương đối lớn khi phân bố ở cả 3 vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Trung du miền núi phía Bắc với thời vụ kéo dài từ trung tuần tháng 4 đến tháng 8. Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ tốt nhất, việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu đã được đặt ra từ sớm.
Người dân huyện Yên Châu (Sơn La) thu hoạch xoài để phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: dangcongsan)
Cùng với 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, năm nay, những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ sở để thúc đẩy tiêu thụ các nông sản vào vụ. Tình trạng giảm giá khi vào thu hoạch rộ sẽ thay đổi nếu tư duy làm chất lượng bán giá cao được cụ thể hóa.
"Chúng ta xuất khẩu lượng lớn thanh long vào Trung Quốc nhưng những năm qua, diện tích thanh long của Trung Quốc cũng tăng nhanh, tuy nhiên vấn đề ở đây là chất lượng. Thanh long trồng ở Trung Quốc do điều kiện khí hậu nên không thể có chất lượng tốt như ở Việt Nam. Như vậy, để tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường cho thanh long cũng như loại hoa quả khác, vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng. Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng trọt để cho chất lượng sản phẩm cao nhất", ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhận định.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong điều kiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, nên việc cải thiện khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói... cũng như quản lý chặt mã số vùng trồng là vấn đề quan trọng mà các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung.
Thúc đẩy tiêu thụ bằng thương mại điện tử
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6%, trong đó ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 55 tỷ USD. Đây là một thách thức không nhỏ, nhất là khi tình hình lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh tiêu thụ trái tươi, xuất khẩu sản phẩm chế biến, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải chuyển đổi mạnh mẽ theo phương thức kinh doanh mới, trong đó có thương mại điện tử.
Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng đơn hàng của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm vẫn tăng 20% so với cùng kỳ. Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15% trong năm 2023 cũng nằm trong tầm tay.
"Hiện các nhà bán buôn cũng tăng cường sử dụng thương mại điện tử, nên qua quá trình tiếp cận từ những năm trước nên các khách hàng tiếp tục tăng nhanh về sản lượng, giúp đơn hàng của chúng tôi tăng", ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Simexco Đắk Lắk, cho biết.
Doanh nghiệp tự mình vượt khó để duy trì tăng trưởng, nhờ đẩy mạnh hoạt động trên các sàn thương mại điện tử. Còn chính quyền nhiều địa phương cũng đang nỗ lực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình dựa trên công nghệ thực tế ảo VR360 - một ứng dụng chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước, có thể tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm, để từ đó những hợp đồng kinh tế được ký kết theo hình thức "ký số", mà không cần phải gặp mặt trực tiếp như thông thường.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, riêng năm 2022, hơn 10 triệu sản phẩm là hàng Việt Nam được bán trên các sàn thương mại điện tử Amazon và Alibaba. Hãng Amazon cũng công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 3,3 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 11,1 tỷ USD vào năm 2026. Thương mại điện tử đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng cao đơn hàng.
VTV.vn - Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra cảnh báo và cho biết chưa nhận được thông báo về biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.54800813171503202-hcaoh-uht-uv-oav-nas-gnon-ueihn-ihk-ar-uad-naot-hnit/et-hnik/nv.vtv