Việc EVN tăng giá điện đúng vào cao điểm nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện của nhiều người dân tăng cao hơn dự kiến do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ảnh minh họa.
Tại Tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh niên tổ chức vừa diễn ra, việc tại sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại ra quyết định tăng giá điện đúng vào thời điểm mùa nóng, cao điểm sử dụng điện khiến hóa đơn tiền điện tăng cao hơn dự kiến là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm, thắc mắc.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh EVN cho biết việc điều chỉnh giá bán điện bình quân EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, hằng năm sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào gồm tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện, điều hành, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Vị đại điện EVN cũng cho biết đã cân nhắc rất nhiều về thời điểm tăng giá điện và đã bắt đầu chuẩn bị thực hiện từ tháng 1, tuy nhiên do thời tiết tháng 3 diễn biến ngoài dự báo, 15 ngày cuối tháng nắng nhiều, khiến người dùng điện cảm thấy hóa đơn tăng thêm.
Bên cạnh vấn đề thời điểm tăng giá điện, một vấn đề cũng được nhiều ý kiến quan tâm là việc tính giá điện tính theo 6 bậc là quá nhiều cũng như việc ngành điện chỉnh giá tăng đồng loạt sẽ gây khó khăn hơn cho người nghèo.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết trước khi điều chỉnh tăng giá điện, EVN đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân.
Cụ thể, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm 2.500 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 5.100 đồng/hộ.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 11.100 đồng/hộ, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm 18.700 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, số tiền tăng thêm 27.200 đồng/hộ.
Xem thêm: mth.74814101171503202-neid-gnud-us-meid-oac-gnon-aum-oav-neid-aig-gnat-ial-nve-oas-iat/nv.ahos