Như Thanh Niên đã thông tin, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trong cả nước xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, trong đó có không ít vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất, trong 2 ngày 12 - 13.5 xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy khiến 7 người tử vong.
Cụ thể, ngày 12.5, vụ cháy xảy ra tại quán bar 4 tầng tại P.Đằng Giang (Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) làm 3 nữ nhân viên tử vong. Ngày 13.5, tại ngôi nhà 3 tầng 1 tum trên phố Thành Công (P.Quang Trung, Q.Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm.
Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, hỏa hoạn xảy ra trên diện tích đất khoảng 50 m2, trong đó phần cháy nằm trong ngôi nhà dạng ống, diện tích xây dựng khoảng 40 m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5 m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch. Điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm đều được chủ hộ rào chắn bằng khung sắt, bịt kín phía trước giống như "chuồng cọp" để chống trộm.
Tại Hà Nội từ hàng chục năm nay, việc người dân lắp đặt lồng sắt (hay còn được gọi là "chuồng cọp") không còn xa lạ. Nếu như nhiều năm trước, "chuồng cọp" chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ, thì hiện nay nhiều nhà dân cũng lắp đặt.
Những vụ cháy đau lòng
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến việc không có lối thoát hiểm do bị "chuồng cọp" quây kín như: vụ cháy tại khu tập thể B9 Kim Liên (Q.Đống Đa) làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương vào rạng sáng ngày 21.4.2022; vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa) làm 4 người tử vong ngày 4.4.2021…
Xin gửi lời chia buồn đến gia đình. Xin cầu nguyện cho linh hồn người mất. Nên chăng phát động phong trào phổ biến kiến thức về PCCC và thoát nạn đến từng tổ dân phố?
Hao Dongduc
"Chuồng cọp" bây giờ xuất hiện khắp nơi rồi. Không phải chỉ có ở chung cư cũ đâu mà ở nhiều chung cư cao cấp mới xây dựng cũng có "chuồng cọp".
H.K.H
Nói về những vụ cháy mới đây, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ lòng thương tiếc đối với các gia đình nạn nhân và mong muốn sẽ không còn xảy ra những vụ cháy đau lòng như vậy. BĐ X.Binh Nguyen cho biết: "Tôi đọc thông tin trên Báo Thanh Niên về vụ cháy ở Hà Nội khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm mà không cầm được nước mắt. Chỉ biết cầu nguyện cho 4 bà cháu được ra đi thanh thản, siêu thoát…". BĐ vuhaingoc.vhtp chia sẻ: "Thật sự không cầm được nước mắt. Xin chia buồn với gia đình. Thương các cháu còn quá nhỏ". BĐ djsky1803 bày tỏ: "Cầu mong 4 bà cháu về nơi an nghỉ cuối cùng. Đau xót quá!".
BĐ Trịnh Cường cũng chia sẻ: "Lại một cảnh báo đối với những ngôi nhà được che chắn, bịt kín các lối…, nếu chẳng may có sự cố thì quá căng. Thực tế cho thấy có nhiều nhà trong khu đông dân cư, nhà liên kế… mà không có cửa lên sân thượng, hoặc tự bịt kín mặt tiền… Nhiều người nói để "chống trộm'' nên hàn chết thay vì làm cửa khung sắt đóng mở. Nguy hiểm quá!".
Làm sao để vừa chống trộm vừa thoát hiểm khi có cháy ?
Đó là mong muốn của nhiều BĐ, nhất là khi bước vào mùa nóng, cần thận trọng hơn trước các nguy cơ cháy nổ. BĐ Quốc Thanh chia sẻ về nỗi lo trộm cắp: "Nhà ở phố nói thật đâu ai muốn làm kiểu "chuồng cọp" đâu, vừa chật kín lại vừa ngột ngạt... Nhưng nếu không làm vậy thì có giữ được tài sản không vì sợ trộm cắp rình rập?". BĐ Y.Thi H. đề xuất: "Có cách nào vừa giúp chống trộm vừa giúp thoát hiểm nhanh khi chẳng may xảy ra hỏa hoạn không? Tôi nghĩ, nhà nào cũng phải nghiên cứu có cửa thoát hiểm. Nếu đã lỡ làm "chuồng cọp" rồi thì cũng phải tính làm kiểu có cửa để dễ dàng mở ra thoát thân. Các nhà thiết kế, nhà chuyên môn tính giúp cái này cho dân với". BĐ Tran Thinh góp ý: "Làm "chuồng cọp" thì khi có sự cố sẽ vô cùng nguy hiểm. Theo tôi, có tiền, vàng, kim cương… thì nên gửi ngân hàng để không sợ trộm cướp. Tính mạng con người là quan trọng nhất. Nếu có điều kiện thì chi ra khoảng 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, khi có khói chút xíu là nó báo inh ỏi liền".
Trong khi đó, nhiều BĐ đặt vấn đề về việc trang bị kiến thức về sử dụng điện, đồ dùng điện, nước… và phòng cháy, thoát hiểm. BĐ Uyen cho biết: "Tôi nghĩ, định kỳ hằng năm, chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực nên có những buổi tập huấn, hướng dẫn cho người dân về kỹ năng thoát hiểm trong mọi tình huống, nhất là khi xảy ra cháy nổ. Phải làm bài bản và làm đến từng tổ dân phố để mọi người nắm bắt và khi xảy ra sự cố thì thực hiện tốt".
"Tôi đề nghị nên có cuộc kiểm tra trên diện rộng về việc cơi nới nhà cửa, làm "chuồng cọp", cửa thoát hiểm… để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng để đảm bảo an toàn, PCCC hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có chế tài, xử lý nghiêm đối với những hộ cố tình làm "chuồng cọp", không đảm bảo thoát hiểm, PCCC. Có như vậy mới không còn xảy ra những vụ cháy đau lòng nữa", BĐ Oanh Kieu ý kiến.