Gần một thế kỷ ở Việt Nam, thực dân Pháp quyết quy hoạch Hà Nội là đô thị hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương. Cũng chính vì vậy mà thành phố này sở hữu nhiều công trình kiến trúc mang đậm đặc trưng kiến trúc Pháp.
Trăm năm trôi qua, nhiều công trình vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của mình, tạo nên một Hà Nội thơ mộng với những ngôi nhà trang trí hoa văn tinh tế trên khung cửa hay những mái nhà cổ kính... Đặc biệt, dọc các tuyến phố cổ nhìn lên, du khách vẫn thấy số ít tòa nhà mang những dấu tích của tên tiếng Pháp còn sót lại.
Caisses de Retraites - Quỹ Hưu Trí
Caisses de Retraites (Quỹ Hưu Trí) - nay là Nhà xuất bản Thanh Niên thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nằm tại số 64 Bà Triệu, tòa nhà thu hút những người yêu kiến trúc bởi bức tường vàng nhạt cùng những khung cửa sổ xanh đặc trưng. Mặc dù thời gian có làm biến đổi đôi chút, nhưng các họa tiết cơ bản vẫn được giữ nguyên như khi vừa xây dựng.
Institution Sainte Marie - Tu viện nữ tu Dòng thánh Phaolô
Nằm ở số 37 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tu viện nữ tu Dòng thánh Phaolô có tên gọi tiếng Pháp là Institution Sainte Marie.
Năm 1883, các bà xơ thuộc Dòng thánh Phaolô đã có mặt ở Hà Nội và mua đất ở 37 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để xây dựng tu viện cùng một trường nữ học ở đây.
Đây là nơi các nữ tu tới cầu nguyện hằng ngày và chỉ phục vụ một nhóm giáo dân. Mặt chính của giáo đường hướng ra phố Hai Bà Trưng với kiến trúc theo phong cách tiền thực dân, gồm hành lang rộng và các khung cửa sổ cuốn gạch hình cung có khóa vòm.
Điểm nhấn của công trình là một tháp chuông nhỏ hình trụ, phía trong có tám cột nhỏ, phía ngoài là bốn cột lớn được trang trí rất tinh tế đỡ mái gác chuông dạng vòm bán cầu, phía trên có thánh giá được trang trí bởi các họa tiết bằng sắt uốn.
Phía trên bức tượng Mẹ Maria ôm Chúa Hài đồng Giê-su vẫn còn giữ nguyên dòng chữ tiếng Pháp Institution Sainte Marie.
Dù chỉ là một nhà thờ nhỏ nhưng Tiểu giáo đường Sainte Marie có những nét kiến trúc đặc sắc và là một chứng tích hiếm thấy của kiến trúc Thiên Chúa giáo có niên đại từ thời tiền thực dân.
Gần 80 năm sau, phần lớn khuôn viên trên đã chuyển thành các cơ sở y tế công cộng mà nổi tiếng nhất là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.
Institut du Radium de L'Indochine - Viện Quang tuyến Đông Dương
Viện Radium (Quang tuyến) Đông Dương, nay là Viện Ung thư quốc gia - Bệnh viện K do kiến trúc sư C. Delpech thiết kế được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1915 - 1920 trên khu đất tiếp giáp với các phố Tràng Thi, Quán Sứ và phố Hai Bà Trưng.
Kiến trúc tòa nhà có mặt bằng hình chữ nhật gồm 3 tầng, chịu ảnh hưởng mạnh bởi chủ nghĩa tân cổ điển Pháp thời Louis XIV với mặt chính được phân chia thành 3 phần theo phương đứng và 5 phần theo phương ngang.
Với hình thức chuẩn mực, cùng việc tổ hợp thức cột nghiêm ngặt, tòa nhà trụ sở Viện Radium Đông Dương xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc tân cổ điển theo tinh thần cổ điển Pháp thời đế chế ở Hà Nội.
Nhà thờ Hàm Long
Nhà thờ Hàm Long với hai mặt tiền trông ra các phố Hàm Long, Ngô Thì Nhậm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất Hà Nội.
Công trình do kiến trúc sư người Việt, Doctor Thân (quê ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Tây) du học ở Pháp thiết kế theo yêu cầu của linh mục Dopolit.
Nhà thờ có cấu trúc mặt bằng kiểu basilica được chia thành ba phần chính: tiền sảnh, khu vực dành cho giáo dân và Cung thánh.
Kiến trúc nhà thờ nổi bật bởi tháp chuông nằm ở trung tâm mặt đứng. Tháp chuông được trang trí bởi những đường bao hình cuốn nhọn kiểu Gothique, bên trong là các cửa đi và cửa sổ có cùng hình thức tạo ra một ngọn tháp khá giản dị mà hài hòa.
Mặc dù có quy mô không lớn, trang trí giản đị, nhưng nhà thờ Hàm Long lại có nét độc đáo rất riêng so với đa phần các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác ở Hà Nội thời Pháp thuộc.
Palais de Justice - Tòa án nhân dân Tối cao
Công trình do kiến trúc sư A. H. Vildieu thiết kế năm 1905, nằm trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một trong những công trình kiến trúc phong cách tân cổ điển Pháp đầu tiên tại Hà Nội, hiện đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Khối trung tâm được thiết kế với bộ mái nhô cao, được đỡ bởi hàng cột theo thức Doric La Mã, kết hợp với hai cầu thang ngoài hình chữ L được trang trí cẩn trọng tạo ra điểm nhấn làm tăng tính oai vệ của tòa nhà.
Đây không chỉ là nét độc đáo của công trình so với các tòa nhà tân cổ điển ở Hà Nội mà cũng là nét độc đáo khi so sánh với các tòa án theo phong cách tân cổ điển ở chính nước Pháp.
Ancien Blason de Hanoï - Huy hiệu thành Hà Nội
Đây là huy hiệu thành Hà Nội khi Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.
Maison Centrale - Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò nằm ngay trung tâm thành phố được xây dựng từ năm 1896. Thực dân Pháp cho xây dựng nhà tù này nhằm giam giữ những người đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp.
Bên cạnh nhà tù là tòa đại hình và sở mật thám, tạo thành thế chân kiềng, sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta.
Nhà tù Hỏa Lò vốn có tên là Đề lao Trung ương (Maison Centrale), nhưng do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ), đây là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò và nhà tù ở đây cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò.
Tổng diện tích của cả khu nhà tù trước kia rộng lên đến hơn 12.000m2. Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn 2.434m2 là được giữ lại, bảo tồn để trở thành khu di tích, phục vụ cho mục đích tham quan du lịch.
TTO - Lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội phản hồi như vậy khi có nhiều câu hỏi liên quan tới quy hoạch xây dựng và sai phạm trong quá trình xây dựng, trong buổi họp báo chiều tối 6-4 do UBND TP Hà Nội tổ chức.
Xem thêm: mth.43380216171503202-ion-ah-iat-pahp-gneit-net-neyugn-uig-noc-ahn-aot-hnad-meid/nv.ertiout