Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022 gửi đại biểu Quốc hội.
15/30 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ
Theo đó, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy đến năm 2022, trong 20 chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của 6 mục tiêu cụ thể tại chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã có 8 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt.
Trong 8 chỉ tiêu đã đạt, báo cáo thẩm tra nêu, theo kết quả điều tra năm 2021, tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%.
Như vậy, chỉ tiêu này đã đạt từ trước khi chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành.
Điều đó cho thấy việc phân tích, dự báo đề ra chỉ tiêu này của chiến lược là chưa sát với thực tế.
Trong các chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt, theo báo cáo, ước năm 2022, số giờ trung bình một ngày làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ gấp 1,78 lần so với nam giới (phụ nữ làm 2,35 giờ/ngày, nam giới làm 1,32 giờ/ngày).
Chỉ tiêu này giảm so với năm 2021 (năm 2021 gấp 1,96 lần), cơ quan thẩm tra nhận định khả năng sẽ đạt so với chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là 1,7 lần.
Về một số vấn đề cần quan tâm, cơ quan thẩm tra chỉ rõ tính đến tháng 12-2022 các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan, đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021.
Tuy nhiên, các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 2/8, đạt 25%, còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra là 60%.
Tỉ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (số liệu đầu nhiệm kỳ 2021-2025), cụ thể cấp tỉnh 37,7%, cấp huyện 31,77%, cấp xã 24,94%.
Ủy ban Xã hội thấy rằng tuy tỉ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với chỉ tiêu trong lĩnh vực chính trị đề ra đến năm 2025 chắc chắn không đạt được.
Và sẽ rất khó để đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần có chiến lược, kế hoạch triển khai từ sớm; quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ và thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cấp.
Báo cáo cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đảm bảo cơ cấu nữ trong việc dự kiến, phân bổ, xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ khóa 2026-2031.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ đảm bảo tỉ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chuyên trách.
Chưa triển khai thí điểm cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người đồng tính
Cạnh đó, chỉ tiêu thí điểm ít nhất một cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người đồng tính, song tính và chuyển giới chưa có địa phương nào triển khai.
Vì vậy, chỉ tiêu này không đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 vì chưa được triển khai thực hiện.
Trong báo cáo của Chính phủ không nêu nguyên nhân, lý do chưa thực hiện được chỉ tiêu này, do đó đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ và có lộ trình thực hiện cụ thể.
Báo cáo thẩm tra cũng dẫn số liệu năm 2022, tổng số người gây bạo lực gia đình là 3.975 người, trong đó nam giới là 3.574 (89,91%), nữ giới là 401 người (10,09%).
Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là 3.875/3.975 người (97,5%), trong đó biện pháp chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (2.953 người, chiếm 76,2%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 43 người.
Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/phường/thị trấn 306 người; xử phạt vi phạm hành chính 464 người; xử lý hình sự 109 người.
Song báo cáo của Chính phủ chỉ thông tin về số liệu này, mà chưa có thông tin tỉ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn...
Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội kết quả kiểm toán trong năm 2022 về tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021.