Những lãnh đạo cấp cao của Silicon Valley Bank và Signature Bank – 2 ngân hàng vừa phá sản tại Mỹ - đã từ chối tự nguyện giao nộp lại số tiền hàng triệu USD mà họ được nhận trước khi các vụ sụp đổ thổi bùng lên cuộc khủng hoảng trong nhóm các ngân hàng khu vực.
Trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ 2 ngân hàng bị giới chức buộc đóng cửa hồi tháng 3, cựu CEO của SVB là Greg Becker cùng với 2 cựu lãnh đạo cấp cao của Signature là Scott Shay và Eric Howell đã bị chất vấn về vai trò của họ trong hai vụ sụp đổ vừa qua.
Bà Becker, người kiếm được gần 10 triệu USD trong năm 2022, không cam kết sẽ trả lại tiền dù nói rằng “sẽ hợp tác với giới chức”. Trong khi đó Shay nói rằng ông không có kế hoạch làm vậy (trả lại tiền). Năm ngoái Shay được trả 6 triệu USD.
Một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã hỏi Becker về những báo cáo cho thấy thù lao của các lãnh đạo SVB tăng mạnh sau khi ngân hàng bắt đầu mua những tài sản rủi ro hơn và đặc biệt sẽ gây thiệt hại lớn nếu lãi suất tăng.
Tuy nhiên cả Becker và Shay đều lập luận các ngân hàng của họ được quản lý tốt. 2 ngân hàng sụp đổ là do chuỗi sự kiện khách quan gồm Fed tăng lãi suất quá mạnh, vụ sụp đổ của Silvergate và những tin đồn lây lan chóng mặt trên mạng xã hội khiến khách hàng rút tiền ồ ạt.
“Tôi thực sự tin vào điều đó với những thông tin mà chúng tôi có được ở thời điểm đưa ra quyết định. Chúng tôi đã làm hết sức có thể”, Becker nói.
Trong biên bản giải trình được công bố 1 ngày trước buổi điều trần, Becker đổ lỗi cho “làn sóng rút tiền gửi chưa từng có tiền lệ” được thổi bùng lên bởi “tin đồn và những hiểu lầm” đã khiến SVB sụp đổ.
Các Thượng nghị sĩ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chỉ trích thái độ thiếu trách nhiệm của lãnh đạo các ngân hàng. Họ cho rằng bà Becker đã “đổ lỗi cho tất cả mọi người, trừ bản thân mình, khiến SVB sụp đổ”. Thượng nghị sĩ Katie Britt đại diện cho bang Alabama “cảm thấy lo lắng về sự thiếu trách nhiệm” của bà Becker – người đã dẫn dắt SVB 12 năm.
Sự sụp đổ liên tiếp của SVB và Signature hồi đầu tháng 3 đã làm lung lay nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư vào các ngân hàng khu vực trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Đó cũng là nguyên nhân khiến First Republic phải đóng cửa và bán mình vào tháng trước.
Nguyên nhân sâu xa khiến SVB thất bại là quyết định đem lượng tiền gửi khổng lồ huy động được từ các công ty công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào trái phiếu dài hạn – loại tài sản bị giảm mạnh giá trị khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ từ đầu năm ngoái.
Becker cho biết quyết định bán tháo trái phiếu và gây ra khoản lỗ 1,8 tỷ USD được đưa ra sau khi nhận tư vấn từ Goldman Sachs. Tuy nhiên chính quyết định này là “cú đấm cuối cùng” khiến các nhà đầu tư và người gửi tiền hoảng loạn, châm ngòi cho cuộc “bank run” và SVB gần như không thể huy động vốn mới.
Trong khi đó Goldman – lúc đó đang giúp SVB huy động vốn – cho biết đã thông báo với SVB họ sẽ không đóng vai trò cố vấn trong vụ bán chứng khoán.
Vài ngày sau khi SVB buộc phải đóng cửa, Signature Bank cũng rơi vào trạng thái tương tự. Ngân hàng này đã nhanh chóng tăng gấp đôi lượng tiền gửi huy động được chỉ trong 1 năm bằng cách phục vụ nhóm khách hàng tham gia vào thị trường tiền số.
Các Thượng nghị sĩ buộc tội lãnh đạo SVB và Signature đã đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của tiền gửi mà các khách hàng đã gửi gắm. “Chúng tôi đã quản trị rủi ro một cách nghiêm túc”, bà Becker nói, nhưng đã bị Thượng nghị sĩ Tim Scott, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong ủy ban giám sát ngân hàng, phản pháo rằng “khó mà tin được lập luận đó”.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Michael Barr, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tại Fed, cho rằng toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn đang “vững vàng” bất chấp thời kỳ căng thẳng vừa qua.
Thượng nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch ủy ban dịch vụ tài chính tại Hạ viện Mỹ, buộc tội Fed đã phản ứng quá chậm chạp với lạm phát, từ đó gây nên quá nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.
Tham khảo Financial Times