Các lãnh đạo G7 có mặt tại Hiroshima, Nhật Bản, từ ngày 18-5 nhằm thúc đẩy liên minh đối phó với Nga, Trung Quốc và giải quyết các vấn đề cấp bách khác.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) nói rằng G7 sẽ nhắm đến giao dịch kim cương của Nga. "Chúng ta có thể kỳ vọng điều này sẽ được đề cập trong thông cáo chung của G7", quan chức này nói.
Còn tranh cãi về trừng phạt kim cương Nga
Theo quan chức EU, giai đoạn này sẽ chưa có được thỏa thuận, nhưng cuộc họp của G7 sẽ tạo cơ hội thiết lập được một hệ thống trước khi triển khai các biện pháp trừng phạt.
Trước đó vào tháng 4-2023, Ba Lan đã đưa ra đề xuất về một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine, bao gồm dầu mỏ và kim cương của Matxcơva.
Tuy nhiên việc trừng phạt giao dịch kim cương của Nga vẫn còn nhiều tranh cãi ở châu Âu. Trong khi một số quốc gia ủng hộ thì Bỉ, trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới, đã bác bỏ biện pháp này.
Trung tâm Kim cương thế giới Antwerp, Bỉ, cho biết các lệnh trừng phạt sẽ khiến họ mất khoảng 30% hoạt động kinh doanh.
Quan chức EU cho biết với quy mô của thị trường kim cương, sẽ cần phải có một cuộc thảo luận rộng hơn với các quốc gia như Ấn Độ, chủ nhà G20 năm nay. Thủ tướng Ấn Độ cũng được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.
Chiến sự ở Ukraine cũng sẽ là chủ đề quan trọng của cuộc họp G7 lần này. Theo Hãng tin AFP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại cuộc họp thông qua video.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường, và siết chặt các biện pháp trừng phạt Matxcơva.
Đối phó với Trung Quốc
Các cuộc thảo luận của G7 về Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung vào nỗ lực bảo vệ các nền kinh tế của nhóm, bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường.
Các nước lo ngại việc Trung Quốc sẵn sàng cấm, đánh thuế hoặc cản trở thương mại mà không cần cảnh báo trước hay giải thích trong các tranh cãi với các quốc gia từ Úc đến Canada.
Theo ông Sullivan, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ chỉ trích "sự cưỡng ép kinh tế" này. Washington đã triển khai các biện pháp riêng như ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các chất bán dẫn tiên tiến nhất và thiết bị để sản xuất bán dẫn, đồng thời gây sức ép để Nhật Bản và Hà Lan làm theo.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu, nhất là Pháp và Đức, khẳng định việc "giảm rủi ro" không có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ với Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
"Đây không phải là nhóm G7 chống Trung Quốc. Chúng tôi có một thông điệp tích cực cho Trung Quốc, đó là chúng tôi sẵn sàng hợp tác với điều kiện chúng ta cùng nhau đàm phán", cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trước thềm hội nghị.
Sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt cho thấy tham vọng của nước Nhật trong việc biến thượng đỉnh G7 thành một diễn đàn có tiếng nói trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu.
Xem thêm: mth.97933037181503202-agn-auc-gnouc-mik-oav-mahn-7g/nv.ertiout