Kêu khó vì dòng tiền, nhà máy vẫn hoạt động ổn định
Thông tin cụ thể, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than - ông Trần Thanh Tùng - cho hay trong 4 tháng đầu năm, nhà máy đã sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại. Riêng tháng 4-2023 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu.
"Hiện nay giữa tháng 5, nhà máy vận hành vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý 3, quý 4, trong kế hoạch, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương" - ông Tùng nói.
Đối với những khó khăn về dòng tiền của lọc hóa dầu Nghi Sơn được doanh nghiệp này nêu, ông Tùng cho biết Bộ Công Thương đã có văn bản gửi doanh nghiệp này và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Theo đó, bộ khẳng định việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề “nội tại” của doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các nhà đầu tư tham gia góp vốn - trên cơ sở cam kết các thỏa thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
"Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Mục tiêu là đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường" - ông Tùng nói.
"Tiếng nói của PVN trong liên doanh này cũng chỉ có mức độ”
Thông tin thêm, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng nhà máy này chiếm tới 35-40% nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Do vậy, mỗi lần nhà máy trục trặc, ông bày tỏ: "Chúng tôi mất ăn mất ngủ".
"Thực tế là như vậy. Hiện nay Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục gặp tình trạng như vậy. Chúng ta phải làm thế nào, liệu có “không ngủ” mãi được không? Phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này" - ông Hải đặt câu hỏi.
Tuy vậy, cũng có cái khó, theo Thứ trưởng Hải, khi đây là liên doanh giữa PVN và các đối tác nước ngoài, nhưng phía doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ góp vốn 25,1%. Vì vậy, tiếng nói của PVN trong liên doanh này cũng "chỉ có mức độ”.
Trong khi đó, nhà máy này cung ứng tới 35-40% thị phần trên thị trường xăng dầu, nhưng lại phải thực hiện cam kết về bao tiêu sản phẩm. Dẫn tới việc đảm bảo cung ứng xăng dầu gặp khó khăn nếu nhà máy bị gián đoạn, hoặc giảm sản xuất do sự cố kỹ thuật, bảo dưỡng hoặc các vấn đề khác.
Tiếp tục khẳng định quan điểm đây là vấn đề nội tại mà doanh nghiệp phải xử lý, ông Hải cho rằng Chính phủ và các bộ ngành liên quan chỉ tham gia theo đúng các thỏa thuận mà các bên đã có cam kết.
"Bộ Công Thương rất bám sát nhà máy này, xem hằng ngày, hằng giờ có gặp vấn đề gì không để đảm bảo nguồn cung”, ông Hải nêu.
Thỏa thuận tái cấu trúc tài chính của các bên liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vẫn chưa đạt, đang đẩy công ty này trước nguy cơ dừng hoạt động.