vĐồng tin tức tài chính 365

Giá tôm nguyên liệu lao dốc, nông dân e dè xuống giống

2023-05-19 07:28

Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh

Thông tin trên VTV, thời gian qua, giá tôm nguyên liệu đã giảm mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở một số địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như Sóc Trăng, Bạc Liêu... giá đã giảm 20 - 30%, khiến nhiều nông hộ đang lo lắng trước nguy cơ có thể thua lỗ.

Ông Nguyễn Phục (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng), người có kinh nghiệm nuôi tôm gần 20 năm nay cho biết, hơn 2 tháng qua, giá tôm liên tục giảm sâu. Từ chỗ 150.000 đồng/kg loại 40 con/kg, nhưng nay thương lái mua vào chỉ còn 105.000 đồng/kg.

Tương tự, tại Cà Mau giá tôm nguyên liệu cũng giảm sâu. Tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái mua chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng, giảm 30% so với tháng trước. Loại 30 - 40 con/kg giá cũng đồng loạt giảm 20%, có thời điểm chỉ còn 108.000 - 135.000 đồng/kg.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá tôm giảm là do các thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm  dẫn đến đơn hàng sụt giảm trong khi nguồn cung tăng lên.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành đã giảm từ 20 - 50%, tồn kho tăng. Lý do chính đến từ việc các thị trường lớn nhất của ngành như Mỹ, EU đều giảm mức tiêu thụ do tác động của lạm phát toàn cầu.

Cũng theo VASEP, trong quý 1/2023, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc tăng 34% và kim ngạch tăng 16%, đạt 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc tăng nhập tôm từ Ecuador với sản lượng nhập tăng 43%, Argentina với 205%, Saudi Arabia với 231%… Trong khi đó, tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm đến 40% so với cùng kỳ 2022.

Việc giá tôm nguyên liệu giảm, chi phí sản xuất tăng… khiến không ít nông hộ chọn cách phơi ao, hoặc chỉ nuôi cầm chừng với diện tích nhỏ.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phục (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết mọi năm thường vào khoảng tháng 4 ông đã thả giống. Tuy nhiên năm nay 10 ao tôm của ông Phục đã lấy đầy nước nhưng ông vẫn chưa dám mua tôm giống về thả nuôi. " Với giá tôm nguyên liệu như vậy, trong khi chi phí con giống, thức ăn… đều tăng, người nuôi dễ bị lỗ vốn, gặp nhiều rủi ro nên tôi chờ thêm thời gian rồi quyết định", ông Phục nói.

Kinh tế - Giá tôm nguyên liệu lao dốc, nông dân e dè xuống giống

Tại tỉnh Bạc Liêu, giá tôm xuống thấp khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ/báo Lao Động.

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, nơi tập trung hàng chục công ty và trên 600 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với tổng diện tích trên 1.860ha, các doanh nghiệp, hộ nuôi tính đến chuyện treo ao, chờ giá.

Ông Cao Chí Bảo, chủ một hộ nuôi tôm thẻ công nghệ cao ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu chia sẻ với báo Lao Động: “Chi phí nuôi tôm đều tăng gấp đôi so với những vụ nuôi trước, trong khi đó giá tôm lại giảm, người nuôi tôm chúng tôi tuột áp luôn”.

Kinh tế - Giá tôm nguyên liệu lao dốc, nông dân e dè xuống giống (Hình 2).

Thời tiết nắng nóng, đã có hiện tượng tôm chết hàng loạt tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ/báo Lao Động.

Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 - 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang tạm ngừng thu mua do giá bán rất thấp. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm tính đến chuyện treo ao.

Thời tiết nắng nóng, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ thả giống. Dù có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp nhưng anh Nguyễn Văn Trường (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) cũng quyết định "treo đầm" để tránh nguy cơ tôm bị dịch bệnh do nắng nóng cũng như khả năng thua lỗ do giá tôm xuống thấp trong khi giá thức ăn tăng cao.

"Giấy tờ đất nuôi tôm tôi đã cầm cố cho ngân hàng, giờ muốn mua thức ăn cho tôm phải mua thiếu từ đại lý. Tuy nhiên khi mua trả chậm, giá được tính cao hơn từ 10 - 15%, nên dù có đạt năng suất đi chăng nữa cũng không còn lời. Hiện tôi chỉ mới thả nuôi 1 ao tôm, còn 6 ao để chờ giá tôm cao hơn sẽ đầu tư sau", anh Trường chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết địa phương dự kiến thả nuôi khoảng 51.000ha tôm trong năm 2023 nhưng đến nay mới thả nuôi được 30% diện tích.

Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, cộng với giá tôm nguyên liệu gần đây có chiều hướng giảm nên người nuôi thận trọng trong việc thả giống. "Người nuôi đang ngóng giá tôm để quyết định thả giống, chứ không dám mạo hiểm vì sợ đầu tư không có lời", ông Nhã nói.

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, trong hai năm 2021 và 2022, kim ngạch tôm của Sóc Trăng đều cán mốc trên 1 tỉ USD.

"Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng trong 4 tháng đầu năm được khoảng 450 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022", ông Chiêu thông tin.

Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết chưa khi nào xuất khẩu thủy sản Cà Mau gặp khó như hiện nay.

Kim ngạch xuất khẩu năm tháng đầu năm mới đạt 380 triệu USD, bằng 29% kế hoạch, giảm 23,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản 337 triệu USD, bằng 28% kế hoạch, giảm 13% so với cùng kỳ 2022.

"Tại Cà Mau năm nay dự kiến tổ chức festival tôm với nhiều chương trình xúc tiến dự kiến sẽ thu hút nhiều đối tác mới trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với đà xuất khẩu từ đầu năm tới giờ, chỉ mong năm nay Cà Mau đạt được kế hoạch 1,3 tỉ USD đề ra", ông Nam nhận định.

Con tôm Việt giảm sức cạnh tranh vì giá thành cao

Nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm thừa nhận với chi phí giá thành ngày càng cao, con tôm Việt Nam khó cạnh tranh với con tôm các nước.

Theo ông Nguyễn Văn Cường (phường 4, Tp.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), người đang thả nuôi 2ha tôm thẻ chân trắng, so với 2 năm trước, giá thức ăn tôm tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Chi phí thuê lao động, thuốc thú y thủy sản… cũng tăng từ 20 - 30%.

"Nếu là đất nhà đỡ lo, còn thuê đất để nuôi tôm, giá thành con tôm càng bị đội lên, chưa kể dịch bệnh do thời tiết nắng nóng cũng khiến chi phí tăng theo", ông Cường nói và cho biết đa số người nuôi tôm đều thiếu vốn, phải mua thức ăn trả chậm với mức lãi phải trả cho các đại lý không dưới 30%/năm nên chi phí nuôi tôm càng tăng cao.

Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cũng cho biết giá thành nuôi tôm ở Việt Nam quá cao là do giá thức ăn, con giống và các vật tư khác liên tục tăng, chi phí giao thông, vận chuyển cũng cao do hạ tầng yếu kém. "Tùy người nuôi nhưng chi phí đầu vào nuôi tôm đang dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Và với giá tôm hiện nay, người nào nuôi giỏi mới có lời, còn lại đều bị lỗ", ông Phục khẳng định.

Theo ông Hồ Quốc Lực, giá tôm nguyên liệu của một số nước, trong đó có Ecuador, thấp hơn giá tôm nguyên liệu Việt Nam do tỉ lệ nuôi thành công của các nước khá cao, thậm chí gấp đôi Việt Nam, trên 80%, nhờ có con giống chất lượng và nguồn nước bảo đảm.

Chẳng hạn, Ecuador có con giống quốc gia tốt sau quá trình nghiên cứu gia hóa (cải tiến gene di truyền học), chưa kể nguồn thức ăn cho tôm rẻ hơn các quốc gia cung ứng bột cá (Peru), đậu và bắp (Brazil)...

Trong khi tại Việt Nam, con tôm giống chủ yếu được mua từ nguồn trôi nổi, chất lượng thấp và vùng nước nuôi ngày càng xấu. "Chưa hết, cứ mỗi khi bước vào vụ nuôi tôm, giá con giống và thức ăn tôm lại đua nhau tăng, bào mòn vào chi phí, gia tăng gánh nặng, áp lực cho người nuôi tôm. Đầu vào tăng khiến chi phí nuôi tôm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất nhì thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm tôm các nước", ông Lực thừa nhận.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở Tp.Hải Phòng thông tin thêm, cách đây năm năm Ecuador là quốc gia xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới nhưng từ năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí số 1 và đạt sản lượng xuất khẩu tôm kỷ lục với 1 triệu tấn tôm vào năm 2022, nhờ có nhiều giải pháp để nâng chất lượng con giống, hạ giá thành sản xuất tôm.

Cụ thể, Ecuador đã chủ động thu thập, tuyển chọn các nguồn tôm bố mẹ trong tự nhiên được kiểm soát mầm bệnh rồi lai tạo, chọn lọc nguồn tôm bố mẹ số lượng lớn, đủ yêu cầu chất lượng để sản xuất con giống quốc gia. Ngoài ra, Ecuador tổ chức nuôi tôm theo quy mô trang trại với diện tích lên đến 50ha/trang trại nên có điều kiện đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ.

"Dù chỉ có 220.000ha nuôi tôm nhưng Ecuador có đến 40.000ha đạt chứng nhận ASC - sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, nên sản phẩm tôm Ecuador có nhiều lợi thế khi xuất sang các nước", ông Quang nói và cho rằng ngành tôm Việt Nam cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề như chất lượng con giống, môi trường nuôi, giá thức ăn thủy sản.

Cơ hội nào cho xuất khẩu tôm 2023?

Theo BĐT Đảng Cộng sản, năm 2023, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt con số trên 4,3 tỷ USD – một con số rất cao trong bối cảnh dự báo thị trường có nhiều khó khăn, biến động, ảnh hưởng của lạm phát. 

Để thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Một giải pháp trước tiên không thể không nhắc đến, đó là tập trung nâng cao chất lượng tôm của Việt Nam. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đi cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc gữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn và hạ giá thành cho sản phẩm.

Đối với các địa phương, tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như: hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023 vẫn sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhưng ngành hàng tôm vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu về kim ngạch xuất khẩu tôm từ bằng đến cao hơn năm 2022. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các đơn vị và địa phương, đặc biệt cần đảm bảo cho vụ nuôi thành công để tạo nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong chế biến, xuất khẩu.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Song hành với đó, ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với các cơ quan chuyên môn, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các địa phương về giá cả, thị trường để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất.

Triển khai các chương trình xây dựng chuỗi giá trị tôm, trong đó có kết nối cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng để phục hồi sản xuất.

Minh Hoa (t/h)

Xem thêm: lmth.573806a-gnoig-gnoux-ed-e-nad-gnoncod-oal-ueil-neyugn-mot-aig/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giá tôm nguyên liệu lao dốc, nông dân e dè xuống giống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools