vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền

2023-05-19 11:06
TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền - Ảnh 1.

Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nhằm giải quyết thoát nước cho khu vực quận 12, Gò Vấp, Tân Bình... (TP.HCM), ảnh chụp chiều 18-5 - Ảnh: T.T.D.

Thiếu vốn khiến các công trình chống ngập không được thi công, kết nối đồng bộ dẫn tới câu chuyện "dập" chỗ này, ngập lại xuất hiện chỗ khác.

Xóa chỗ này, ngập chỗ kia

Trước năm 2021, nhiều năm liền tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là "rốn ngập", chỉ cần một cơn mưa lớn khoảng 30 phút là đã ngập sâu trong nước, có đoạn ngập sâu cả mét.

Sau khi dự án nâng cấp, chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng vốn đầu tư gần 473 tỉ đồng hoàn thành vào cuối tháng 4-2021, đến nay cảnh ngập nước trên tuyến đường này không còn tái diễn.

Trong khi đó, tình trạng ngập nước đang lan ra nhiều quận và huyện ngoại thành. Một số tuyến đường như Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Bình Trị Đông, Tên Lửa (quận Bình Tân)... thành biển nước sau mỗi cơn mưa lớn.

Gần nhất là đường Tên Lửa đã bị ngập diện rộng sau cơn mưa chiều 16-5. Khu vực này trước đây nổi tiếng với hai tuyến đường thường xuyên bị ngập là Hồ Học Lãm và Kinh Dương Vương.

Sau khi nâng đường, cải tạo hệ thống thoát nước đã giải quyết được ở hai tuyến đường này nhưng ngập lại "dịch chuyển" qua đường Tên Lửa.

Đường Tô Ngọc Vân là "điểm nóng" ngập nước nhiều năm nay ở TP Thủ Đức cũng tiếp tục bị ngập bởi những trận mưa đầu mùa.

Đặc biệt cơn mưa ngày 16-5 làm đoạn giáp với đường ray xe lửa ngập gần nửa mét chỉ sau chục phút trời đổ mưa. Cách đó không xa, "rốn ngập" chợ Thủ Đức và đường Võ Văn Ngân cũng được xem là nỗi ám ảnh lớn của người dân mỗi khi mùa mưa tới.

Dù được khởi công từ tháng 10-2020, đến nay dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân chưa hoàn thành, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.

TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền - Ảnh 2.

Thi công hệ thống thoát nước tại kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Cần hơn 100.000 tỉ đồng

Để chống ngập giai đoạn 2021 - 2025, TP xác định triển khai 120 dự án với tổng vốn hơn 101.000 tỉ đồng.

Trong hai năm đầu thực hiện chương trình giảm ngập và xử lý nước thải, nguồn vốn được giao chỉ hơn 6.700 tỉ đồng và kết quả mới giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa, 7 tuyến đường trục chính ngập do triều.

Sở Xây dựng nhìn nhận các công trình chống ngập đều chậm tiến độ so với kế hoạch và nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn. Việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích được các nguồn lực bên ngoài tham gia.

Mặt khác, theo Sở Xây dựng, các quy hoạch thoát nước trước đây của TP.HCM cũng được cho không còn phù hợp khiến tình trạng ngập nước vẫn tiếp diễn.

Theo đó, quy hoạch 752 được Thủ tướng Chính phủ duyệt từ năm 2001 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước.

Theo quy hoạch này, TP chia thành 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thoát nước thải. Từ đó, TP đã tập trung cải tạo các kênh rạch, trục thoát nước chính, xây dựng phát triển hệ thống thoát nước với một số dự án.

Cụ thể như: Dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA), Dự án cải thiện môi trường nước TP nguồn vốn ODA gồm hai dự án thành phần, Dự án nâng cấp đô thị TP (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) sử dụng vốn ODA, Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Cuối cùng là các dự án nhỏ giúp kết nối đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thoát nước cũng được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Việc này giúp cơ bản hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải tại các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ vào các nhà máy xử lý.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhận định quy hoạch cũ trên đã không còn phù hợp. Các thông số đầu vào tính toán hệ thống thoát nước chưa lường trước được các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay.

Đặc biệt, phạm vi quy hoạch tổng thể thoát nước TP chỉ chiếm 28,38% tổng diện tích bao gồm khu vực nội thành hiện hữu 106,41km2 và khu vực lân cận với diện tích 457,11km2.

TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền - Ảnh 4.

Công nhân nạo vét cống trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều dự án chống ngập dở dang

Quy hoạch là vậy, nhưng hiện nay hầu hết các dự án vẫn còn đang dở dang. Dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) nguồn vốn ODA mới thực hiện xong giai đoạn 1 gồm xây dựng hệ thống cống bao thu gom, trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nạo vét và mở rộng kênh kết hợp xây dựng bờ kè chỉnh trang đô thị. Hiện nay, cơ quan chức năng đang thực hiện xây dựng giai đoạn 2.

Dự án cải thiện môi trường nước TP nguồn vốn ODA gồm hai dự án thành phần. Đầu tiên là cải tạo lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ đã xong giai đoạn 1 gồm xây dựng hệ thống cống bao thu gom, trạm bơm Đồng Diều và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1, nạo vét và mở rộng kênh kết hợp xây dựng bờ kè chỉnh trang đô thị. Hiện đang xây dựng giai đoạn 2.

Trong khi đó, tiểu dự án lưu vực Hàng Bàng với mục tiêu cải tạo rạch Hàng Bàng và xây dựng các cống thoát nước giải quyết giảm ngập cho lưu vực và cải tạo vệ sinh môi trường cho khu vực xung quanh vẫn còn vướng mặt bằng.

Theo ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), nhanh nhất phải đến hết năm 2024 mới có thể hoàn thiện toàn bộ nếu được bàn giao mặt bằng đúng hẹn.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã khởi công vào tháng 2-2023 sau nhiều năm dừng. Riêng phần cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải thì mới được trình phê duyệt.

Còn dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng (giai đoạn 1) sau một thời gian dài tạm ngưng, đến đầu năm nay phụ lục hợp đồng BT của dự án đã được ký.

Tuy nhiên, hiện dự án đang đợi phía Ngân hàng Nhà nước và BIDV làm các thủ tục và giải ngân để tiếp tục thực hiện. Tiến độ tổng thể dự án đã đạt 93%.

Một trong những điểm sáng là dự án nâng cấp đô thị TP (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) sử dụng vốn ODA đã hoàn thành phát huy hiệu quả chống ngập, chỉnh trang đô thị.

Về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM, Bộ Xây dựng đã có ý kiến thẩm định, TP đang bổ sung và điều chỉnh theo góp ý của bộ.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để giảm ngập TP.HCM cần đảm bảo hai việc là điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước theo hướng cập nhật dữ liệu đầu vào và mở rộng phạm vi chống ngập.

Điều quan trọng thứ hai là làm sao TP.HCM có cơ chế huy động các nguồn lực tài chính, bởi thực tế cho thấy nhiều nơi được đầu tư bài bản đã hết ngập trong khi ở những nơi dự án bị thiếu vốn thì người dân vẫn chưa hết cảnh bì bõm.

Cân đối ngân sách TP để bố trí cho chống ngập

Báo cáo tại buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 9-5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết nhiều dự án chống ngập đang chậm giải ngân.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP tập trung giải quyết các dự án thoát nước.

Mới đây, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát sự cần thiết, cấp bách và khả năng cân đối vốn của TP để bố trí vốn cho các dự án thoát nước, giảm ngập, xử lý nước thải.

Các sở ngành sớm có tham mưu trình UBND TP hướng giải quyết. Sở Xây dựng căn cứ theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về phương án bố trí vốn cho các dự án giải quyết điểm ngập và dự án hỗ trợ xử lý ngập để có báo cáo TP điều chỉnh chỉ tiêu chương trình giảm ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025.

Tiến sĩ Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Mở rộng quy hoạch thoát nước cần thêm nhiều tiền

Quy hoạch thoát nước cũ đã bị lỗi thời, TP.HCM đã tính toán điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 để đáp ứng yêu cầu phát triển, đô thị hóa của TP.

Quy hoạch mới này sẽ nghiên cứu mở rộng diện tích quy hoạch thoát nước từ 650km2 lên tới 2.095km2.

Việc mở rộng diện tích quy hoạch thoát nước tại TP.HCM là điều nên làm, phù hợp với thực tế. Sở dĩ cần mở rộng quy hoạch vì nếu chỉ tập trung quy hoạch đường thoát nước trong khu vực nội thành hiện hữu thì không thể đáp ứng tổng diện tích toàn TP.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa tại TP.HCM đã mở rộng ra khu vực trước đây là ngoại thành như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 12... nên việc nghiên cứu quy hoạch thoát nước mới cho toàn TP rất cần thiết.

Trong quá trình xây dựng cần phải tuân thủ đúng theo kế hoạch rà soát. Cụ thể, phải đảm bảo về cao độ nền, độ dốc thoát nước.

Đồng thời, kết nối đồng bộ từ ống thoát nước nhỏ nhất đến các cửa xả và hệ thống đường ống cũ - mới. Nếu việc tính toán độ cao nền không phù hợp thì sẽ biến cống thoát nước thành nơi chứa nước và gây ngập.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế):

Đấu giá đất công lấy tiền chống ngập

Nguồn vốn cho chống ngập vẫn chủ yếu dùng ngân sách. Nếu ngân sách không đủ thì có thể phân kỳ, cái nào cấp bách làm trước cái nào chưa cấp bách làm sau. Tuy nhiên, chống ngập là việc quan trọng, cần phải ưu tiên bố trí vốn.

Hiện cơ quan chức năng đã xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 và xin thêm nhiều cơ chế cho TP.HCM. TP có thể xác định các khu đất công và cho đấu giá để tăng thêm nguồn vốn ngân sách, từ đó bố trí thêm cho công tác chống ngập.

Hay một phương án khác là phát hành trái phiếu đô thị để có thêm nguồn thu ngân sách. Còn với việc thu hút các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp tham gia chống ngập theo dạng hợp đồng đối tác công tư (PPP) thì nên cân nhắc vì sẽ không chủ động chọn được đơn vị thi công theo ý mình.

TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền - Ảnh 7.

Đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao với đường xe lửa (TP Thủ Đức), nước ngập lênh láng trong cơn mưa ngày 16-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Thủ Đức và Gò Vấp mơ được... hết ngập

Suốt nhiều năm liền, khu vực chợ Thủ Đức, đặc biệt là đoạn dốc đường Võ Văn Ngân, luôn khiến người dân sinh sống và đi lại ngang khu vực này "đứng ngồi không yên" mỗi khi mưa lớn.

Hiện công trình nâng cấp đường cống thoát nước đường Võ Văn Ngân vẫn đang trong thời gian thi công và hoàn thành được một phần, tình trạng ngập nước đã có giảm hơn trước.

Còn người dân sinh sống tại đường Tô Ngọc Vân vẫn mong chờ dự án chống ngập hoàn thiện, trong khi tình trạng ngập nước vẫn diễn ra, có hôm nước ngập hết bánh xe dù chỉ mưa khoảng 10 phút.

Chị Kim Dung (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: "Cơn mưa đầu mùa vào ngày 16-5 vừa qua không quá lớn mà đoạn đường Tô Ngọc Vân giao với đường ray xe lửa đã lênh láng nước".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Nhân - giám đốc điều hành dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân - cho biết dự kiến đến ngày 31-12-2023, dự án sẽ cơ bản hoàn thành.

"Hiện chúng tôi đang làm cửa xả cuối tuyến tại đoạn cầu Rạch Ngang. Chỗ làm cửa xả này trước đây do gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên hiện tại vẫn đang trong quá trình thi công hoàn thiện. Bây giờ nếu mưa nhỏ thì khoảng 5 - 10 phút sau là lượng nước trên tuyến đường Võ Văn Ngân sẽ rút hết.

Bên cạnh việc thi công dự án, chúng tôi còn phải đợi Tổng công ty Điện lực TP.HCM ngầm hóa lưới điện và viễn thông. Hai việc này phải thực hiện song song.

Dự án hoàn thành sẽ giúp thoát nước cho đường Võ Văn Ngân, chỉnh trang đô thị và góp phần giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức. Còn việc có thể xử lý hoàn toàn tình trạng ngập nước thì cần phải kết hợp cùng những công trình khác tại khu vực", ông Nhân nói.

Ngoài dự án trên, để xóa được điểm ngập chợ Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ - phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết cần phải kết hợp liên hoàn với dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa và dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư).

Tại Gò Vấp, tình trạng cứ mưa lớn là đường biến thành sông cũng thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu.

Nhiều người đi xe máy thường bị té ngã do sóng nước mỗi khi ô tô chạy qua. Vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa con em đi học về rất vất vả, phải bì bõm lội nước vì xe chết máy.

Nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối và đường Lê Văn Thọ đã được HĐND TP.HCM điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, điểm cuối của tuyến 1 là cửa xả của kênh Tham Lương đi ngang đường Phạm Văn Chiêu và Lê Văn Thọ. Dự án này dự kiến khởi công trong năm nay.

Theo ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, dự án được hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực công viên Làng Hoa, đường Nguyễn Văn Khối, đường Lê Văn Thọ, một phần đường Phạm Văn Chiêu và đường số 51. Đồng thời, dự án cũng sẽ cải thiện điều kiện giao thông, vệ sinh môi trường và tạo mỹ quan cho khu vực.

"Trong thời gian chờ thi công, quận Gò Vấp cùng các đơn vị liên quan cũng đã lên kế hoạch nạo vét đường cống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối và các tuyến lân cận để giải quyết phần nào tình trạng ngập nước trong những cơn mưa lớn", ông Khang cho hay.

Đây là mơ ước mà nhiều người dân TP đau đáu chờ câu trả lời, nhất là khi thêm một mùa mưa nữa đang đến.

CHÂU TUẤN - LÊ PHAN

TP.HCM: Nhiều dự án chống ngập chậm tiến độ giải ngânTP.HCM: Nhiều dự án chống ngập chậm tiến độ giải ngân

Ban quản lý dự án hạ tầng cho biết TP.HCM vẫn còn nhiều dự án chống ngập chưa thể thực hiện vì gặp nhiều vướng mắc.

Xem thêm: mth.60632549091503202-neit-ti-ueik-pagn-gnohc-iahp-mch-pt/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM phải chống ngập kiểu... ít tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools