Vào tháng 2, Meta đưa ra một quyết định bất thường: Từ bỏ vương miện AI.
Người khổng lồ của Thung lũng Silicon, công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, trước đó đã tạo ra công nghệ AI mang tên LLaMA nhằm cung cấp năng lượng cho các chatbot trực tuyến. Về cơ bản, Meta tung ra công nghệ AI dưới dạng phần mềm mã nguồn mở — mã máy tính có thể được sao chép, sửa đổi và tái sử dụng tự do.
“Nền tảng giành chiến thắng sẽ là nền tảng mở”, Yann LeCun, nhà khoa học AI chính của Meta, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Được thúc đẩy bởi người sáng lập và giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, Meta tin rằng điều nên làm lúc này là chia sẻ các công cụ AI cơ bản để lan tỏa sức mạnh và đi xa hơn.
Điều này trái ngược hoàn toàn với chủ đích của Google và OpenAI - hai công ty đang dẫn đầu cuộc chạy đua AI mới. Lo lắng rằng các chatbot sẽ truyền bá thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và một số nội dung độc hại, Google và OpenAI ngày càng kín tiếng khi chia sẻ về phần mềm hỗ trợ AI.
Google, OpenAI từng lên tiếng chỉ trích Meta, cho rằng cách tiếp cận nguồn mở không bị kiểm soát là rất nguy hiểm. Sự phát triển nhanh chóng của AI trong những tháng gần đây cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro công nghệ cũng như xáo trộn thị trường việc làm. Kết quả đúng như dự đoán khi chỉ vài ngày sau khi LLaMA được phát hành, hệ thống đã bị rò rỉ.
Zoubin Ghahramani, phó chủ tịch nghiên cứu của Google, người giúp giám sát công việc của AI, cho biết: “Chúng tôi muốn xem xét kỹ hơn về việc cung cấp thông tin chi tiết hoặc mã nguồn mở của công nghệ AI”.
Trước đó, Google từng cân nhắc xem liệu công nghệ AI nguồn mở thực sự có thể gây ra mối đe dọa cạnh tranh. Trong một bản ghi nhớ vào tháng này, một kỹ sư đã cảnh báo rằng sự trỗi dậy của những phần mềm như LLaMA có thể khiến Google và OpenAI mất vị trí dẫn đầu về AI.
Đáp lại, Meta cho biết việc giữ mã nguồn cho riêng mình sẽ không đi đến đâu. Theo Tiến sĩ LeCun, việc Google và OpenAI giữ bí mật công nghệ là “sai lầm” và “tồi tệ”. Người tiêu dùng và chính phủ sẽ từ chối tiếp nhận AI trừ khi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của các công ty như Google và Meta.
Cách tiếp cận mã nguồn mở của Meta đối với AI không phải là mới. Google cũng từng có bước đi tương tự với hệ điều hành di động Android để chiếm lấy vị thế thống trị của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Trước đây, nhiều công ty chia sẻ công khai công nghệ AI. Chiến thuật này chỉ bắt đầu thay đổi kể từ sau khi ChatGPT được phát hành. Thành công rực rỡ của chatbot đã khiến người dùng kinh ngạc, sau đó khơi mào cho cuộc chiến AI. Không ai nhớ rằng bản thân Meta cũng đã đầu tư vào công nghệ này trong gần một thập kỷ, chi hàng tỷ USD xây dựng phần mềm, phần cứng cần thiết để hiện thực hóa chatbot và “AI thế hệ mới” tự tạo ra văn bản, hình ảnh và các phương tiện khác. Zuckerberg kỳ vọng Meta có thể trở thành người dẫn đầu về AI nên tổ chức rất nhiều các cuộc họp hàng tuần với nhóm điều hành và các nhà lãnh đạo sản phẩm.
“Chúng tôi đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong hơn một thập kỷ qua và sở hữu một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới”, Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta chia sẻ với tờ Nikkei. “Chúng tôi chắc chắn có một tổ chức nghiên cứu lớn, với quy mô lên tới hàng trăm người”.
Mới đây, Meta thông báo đã thiết kế thành công một con chip máy tính mới dành riêng cho việc xây dựng các công nghệ AI. Công ty cũng đang thiết kế một trung tâm dữ liệu máy tính mới để phục vụ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo.
“Chúng tôi đã xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến cho AI trong nhiều năm nay. Nỗ lực lâu dài sẽ tạo ra nhiều tiến bộ và hỗ trợ những thứ chúng tôi đang làm”, Zuckerberg cho biết.
“Chúng tôi rất tự tin rằng mình là người đi đầu”, ông Andrew Bosworth nói. “Chúng tôi đã đi tiên phong khá nhiều kỹ thuật phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và vừa thành lập một nhóm AI sáng tạo mới từ vài tháng trước. Đây có lẽ sẽ là lĩnh vực mà tôi, CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox chú trọng trong thời gian tới”.
Động thái lớn nhất Meta thực hiện trong những tháng gần đây là phát hành LLaMA, hay LLM (LLaMA là viết tắt của “Meta AI mô hình ngôn ngữ lớn”.) Đây là hệ thống giúp phân tích một lượng lớn văn bản, bao gồm sách, Wikipedia và nhật ký trò chuyện. ChatGPT và chatbot Bard của Google cũng được xây dựng trên các hệ thống như vậy, chỉ khác là, Meta cho phép mọi người tải xuống một phiên bản LLaMA sau quá trình đào tạo chọn lọc. Điều này được giới chuyên gia đánh giá là sẽ có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và chẳng khác gì một “quả bom chờ chực”, theo chuyên gia nghiên cứu Moussa Doumbouya của Stanford.
“Chúng tôi đã gỡ bản demo về AI xuống vì lo ngại khả năng nó bị sử dụng sai mục đích”, đại diện Stanford cho biết.
Dẫu vậy, theo Tiến sĩ LeCun, loại công nghệ này không nguy hiểm như những gì mọi người vẫn nghĩ, chỉ là một số ít cá nhân đã tạo ra và truyền bá thông tin sai lệch, căm thù. Ông cũng nói thêm rằng những tài liệu độc hại có thể bị ngăn chặn nhờ các mạng xã hội như Facebook.
“Bạn không thể ngăn mọi người truyền bá thông tin sai lệch, nhưng bạn có thể ngăn những thông tin đó lan truyền”, Tiến sĩ LeCun nói.
Đối với Meta, việc nhiều người có thể sử dụng phần mềm nguồn mở sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng trong công cuộc cạnh tranh với OpenAI, Microsoft và Google. Nếu mọi nhà phát triển phần mềm trên thế giới đều sử dụng công cụ của Meta, tập đoàn này sẽ có thể củng cố làn sóng đổi mới tiếp theo và ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn.
Tiến sĩ LeCun sau đó cũng đưa ra một số dẫn chứng giải thích lý do tại sao Meta cam kết sử dụng công nghệ AI mã nguồn mở. Chúng đã giúp thế giới xây dựng một nền tảng Internet nhanh và rộng khắp nhất.
“Mã nguồn mở giúp bạn đi nhanh hơn. Bạn sẽ có một hệ sinh thái sôi động hơn, nơi mọi người có thể cùng tham gia, đóng góp”, Tiến sĩ LeCun khẳng định.
Theo: The New York Times, Nikkei