Theo ông Minh, việc cấm nuôi các giống chó dữ như Pitbull là không nên. Tuy nhiên nếu cho nuôi thì phải đưa vào dạng kiểm soát, quản lý đặc biệt.
"Tất cả các điều kiện nuôi chó dữ phải được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm duyệt, cấp phép mới được nuôi, còn nếu để nuôi tự do thì rất nguy hiểm với con người.
Ngoài các điều kiện trên, khi nuôi chó dữ, chủ nuôi phải biết dạy dỗ chó, biết khống chế chó hoặc nhà có người già, trẻ nhỏ, nơi có điều kiện không an toàn thì không được nuôi.
Cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra tiêu chuẩn, quy định nuôi chó dữ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh lặp lại những sự việc đáng tiếc.
Hiện Luật Thú y chưa có quy định về nuôi chó dữ thì cần xem xét sớm điều chỉnh, bổ sung quy định hoặc nghị định để phù hợp với thực tiễn phát sinh trong cuộc sống" - ông Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng việc cấm nuôi chó dữ là không khả thi vì hiện nay nuôi chó đang có 2 mục đích là nuôi làm cảnh và nuôi lấy thịt.
Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về nuôi chó dữ hay quy định nuôi chó cảnh, chỉ có quy định nuôi chó nói chung.
Theo ông Trọng, để đưa ra được quy định nuôi chó dữ thì đây là vấn đề còn phải bàn cãi nhiều.
Nếu người dân nuôi làm cảnh, nuôi để giữ nhà thì không thể cấm được. Nên rất khó quy định chi tiết được việc quy định nuôi chó dữ thế nào?
"Trước khi xây dựng luật, chúng tôi đã bàn nhiều về vấn đề này nhưng cuối cùng chốt lại quản lý ở mức độ không được phép thả rông ra ngoài, nếu đưa ra ngoài phải rọ mõm, phải tiêm phòng bệnh dại. Đồng thời, trách nhiệm của chủ nuôi chó là rất quan trọng" - ông Trọng chia sẻ.
Liên quan đến việc quản lý nuôi chó, tại cuộc họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối tháng 3-2023, ông Tống Xuân Chinh, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết số liệu thống kê năm 2021, Việt Nam có 10,83 triệu con chó.
"Việc nuôi chó là quyền và sở thích của người dân nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật" - ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, trong điều 66, Luật Chăn nuôi quy định rất rõ về quản lý nuôi chó, mèo. Trong đó có quy định khi nuôi phải đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y.
Trường hợp chó, mèo cắn người hay vật nuôi của người khác gây thiệt hại thì phải đền bù theo quy định.
Tới đây, Cục Chăn nuôi xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo.
Nuôi chó phải khai báo với chính quyền
Ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho biết vừa qua, đơn vị đã tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Trong chỉ thị, Thủ tướng có yêu cầu các địa phương tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông. Khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt.
Pitbull, giống chó có nguồn gốc từ Mỹ, là "người bạn tốt của chủ nhưng là kẻ thù của người lạ" vì đặc tính hung dữ. Loài chó này có biệt danh "khẩu súng 4 chân" ở Mỹ vì liên quan đến nhiều vụ tấn công người, gây tử vong.
Xem thêm: mth.71942334191503202-teib-cad-yl-nauq-gnad-oav-aud-iahp-ud-ohc-ioun-od-ut-eht-gnohk/nv.ertiout