Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Nguyễn Mạnh Thừa – Giám đốc Công ty TNHH XD TM Lilama (Công ty Lilama) phạm tội: “Vi phạm qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và phạm tội “rửa tiền”, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và bắt tạm giam 7 bị can gồm cựu lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và một số sở, ngành tỉnh Lào Cai.
Ông Nguyễn Văn Vịnh (bên phải) và ông Doãn Văn Hưởng.
Trong số các bị can bị khởi tố và bắt tạm giam có cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng và cựu chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính Cục Địa chất Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Ngô Đức Hoàng.
Trước đó, vào tháng 6/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can gồm cựu lãnh đạo sở và UBND tỉnh Lào Cai để điều tra, bao gồm: Nguyễn Thanh Dương và ông Lê Ngọc Hưng, đều là cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cùng với các ông Mai Đình Định, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai và ông Phan Văn Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai.
Tất cả 7 bị can trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Người dân hiếu kỳ tại khu vực nhà ông Vịnh vào tối 18/5.
Theo kết luận điều tra ban hành tháng 7/2022, Công ty Lilama được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai trên diện tích 3,77ha.
Cơ quan điều tra xác định, diện tích đất 3,77ha thuộc khai trường số 18 đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatit giai đoạn 2008-2020 và vẫn còn hiệu lực sau năm 2020. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai lại có văn bản cho phép Công ty Lilama khai thác và tận thu apatit.
'Bút tích' của cựu lãnh đạo tỉnh
Cụ thể, tháng 8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Nguyễn Văn Vịnh đã ký Văn bản 2160 với nội dung "Đồng ý chủ trương cho Công ty Lilama đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai. Công ty Apatit Việt Nam bàn giao diện tích đất 3,77 ha tại khai trường 18 xã Đồng Tuyển cho Công ty Lilama để lập dự án. Trong quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản, Công ty Lilama được tận thu và thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định hiện hành”.
Tháng 12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama để thực hiện dự án đầu tư nhà hàng khách sạn trên khu đất 3,77 ha. Vào 29/3/2013, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lilama.
Tháng 5/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Doãn Văn Hưởng ký Văn bản số 1717 về việc thực hiện các biện pháp quản lý khoáng sản trong khu vực thi công dự án nhà hàng, khách sạn.
Tại Quyết định 1717, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý với một phần tham mưu của Sở TN&MT, nếu có phát hiện quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý sử dụng theo quy định mà không đề cập đến việc “trong trường hợp phát hiện thân khoáng có giá trị công nghiệp thì phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản” như tham mưu của Sở TN&MT trước đó.
Liên quan đến văn bản 2160 và văn bản 1717 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành, cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định tư pháp, kết quả xác định hai văn bản này không phải giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép tận thu.
"Bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã lợi dụng vào việc Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng và sử dụng các trên của UBND tỉnh Lào Cai ban hành chưa đúng quy định của pháp luật để chỉ đạo khai thác trái phép trong phạm vi diện tích 5,99ha (trong đó có 3,77ha là diện tích được cấp chứng nhận đầu tư dự án) thuộc khai trường 18 được tổng số hơn 1,5 triệu tấn..." - cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lào Cai.
Ngoài ra, Công ty Lilama đã lợi dụng sự cho phép này để tiếp tục khai thác quặng trái phép. Công ty Lilama cũng đã ký hợp đồng với Công ty Apatit Việt Nam để bán số lượng quặng khai thác trái phép và thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, các bị can đã khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit có giá trị được xác định là hơn 610 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Mạnh Thừa đã thu lời bất chính hơn 177 tỷ đồng và Công ty Apatit Việt Nam đã thu lời bất chính hơn 184 tỷ đồng.
Cảnh sát xuất hiện tại khu vực nhà ông Vịnh.
Hiện nay, Công ty Apatit Việt Nam đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền 184 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị can Thừa và gia đình cũng đã nộp hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ; đồng thời cơ quan điều tra phong tỏa nhiều tài sản là nhà, đất, ôtô của bị can này và Công ty Lilama.
"Hành vi của Nguyễn Mạnh Thừa và các đồng phạm là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước" - kết luận điều tra nêu.
Cơ quan tố tụng xác định trong vụ án này có sai phạm của nhiều cá nhân là nguyên lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND tỉnh Lào Cai trong việc tạo điều kiện cho Công ty Lilama khai thác quặng trái phép.
Xem thêm: mth.10314806191503202-cat-gnauq-ohc-neik-ueid-oat-iac-oal-hnit-hcit-uhc-uuc-av-uht-ib-uuc/nv.ahos