Sự xuất hiện bất ngờ ở G7
Hãng tin AFP hôm 20-5 cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.
Ông Zelensky đến G7 ngay sau khi kết thúc chuyến đi ở Jeddah để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập.
Sự xuất hiện của tổng thống Ukraine được đánh giá là "bất ngờ", vì trước đó ông dự kiến chỉ tham dự trực tuyến qua video.
Truyền thông phương Tây nhận định đây là cơ hội để ông Zelensky trao đổi với đồng minh Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia không có quan hệ chủ chốt khác, bao gồm cả Ấn Độ và Brazil.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tổng thống Ukraine sẽ dự họp với các nhà lãnh đạo G7 vào ngày 21-5. Đồng thời, ông Zelensky cũng dự phiên họp về "hòa bình và ổn định" có các quốc gia không phải là thành viên G7 tham dự.
Mỹ - Ukraine bàn về tiêm kích F-16
Ông Zelensky có mặt tại G7 ngay sau khi nhận được sự đồng ý từ Mỹ trong việc huấn luyện phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16.
Tổng thống Ukraine cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trực tiếp để thảo luận về việc triển khai thực tế kế hoạch này.
Hãng tin AFP dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden "rất mong có cơ hội ngồi trực tiếp" với ông Zelensky. Thời gian chính xác cho cuộc gặp gỡ vẫn chưa được tiết lộ.
Trước đó, ngày 19-5, truyền thông Mỹ (Đài CNN, Hãng tin AP, báo Politico...) đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản, rằng Washington sẽ ủng hộ việc cùng các đồng minh huấn luyện phi công lái tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Nói với các phóng viên tại Hiroshima, ông Sullivan khẳng định quyết định trên không phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và việc "cung cấp vũ khí, vật chất, đào tạo" cho Ukraine đáp ứng "những yêu cầu cấp bách của cuộc xung đột".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng phủ nhận việc cung cấp F-16 sẽ làm leo thang xung đột, cho biết phía Ukraine cam kết không có thiết bị quân sự nào của Mỹ được sử dụng trong các cuộc tấn công bên trong nước Nga.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chúng tôi cũng sẽ tiến hành theo cách tránh được Thế chiến III", ông Sullivan nói thêm.
Thời gian cho khóa huấn luyện này chưa thể xác định, các quan chức Mỹ trước đó ước tính có thể mất tới 18 tháng. Quyết định của Mỹ đã được các quốc gia phương Tây khác hoan nghênh.
"Vương quốc Anh sẽ làm việc cùng với Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để cung cấp cho Ukraine năng lực không quân chiến đấu cần thiết", Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết trên Twitter, tuyên bố thêm rằng các nước này chủ trương "đoàn kết".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cùng các đồng minh của Washington huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16, trong lúc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.