Theo tờ Fortune, dòng điện thoại gập sang chảnh đang được quảng bá trong vài năm trở lại đây với màn hình có thể bẻ gập lại được là một bước tiến công nghệ trong làng smartphone. Sản phẩm này được đánh giá là thế hệ smartphone tương lai khi có hiệu năng tương đương những dòng điện thoại tiên tiến nhất hiện nay, có thể bỏ túi gọn gàng nhưng cũng có thể mở rộng màn hình.
Thế nhưng sản phẩm hiện đại này lại chẳng tạo được cơn sốt như iPhone đã làm khi tạo nên cuộc cách mạng smartphone. Tệ hơn, những người chơi chính như Samsung, Google và Microsoft còn đang tốn tiền vô ích khi dùng chiến lược sai lầm cho sản phẩm này trong vài năm qua.
Thậm chí tờ Fortune nhận định người chơi đi đầu mảng này là Samsung với những bước tiến đáng kể trong công nghệ smartphone gập cuối cùng sẽ chỉ trở thành biểu tượng cho sản phẩm này chứ chẳng thể tiến xa được như iPhone nhà Apple.
Theo Fortune, nguyên nhân không nằm ở thiết kế hay hiệu năng của những chiếc điện thoại gập, mà là ở chiến lược về giá, điều mà iPhone đã làm rất tốt trong thời kỳ đầu ra mắt.
Bài học iPhone
Chiến lược giữ giá sản phẩm, khiến chúng trở nên sang chảnh để tối đa hóa lợi nhuận không có gì mới. Thế nhưng tờ Fortune cho biết trong lịch sử 16 năm của ngành này thì một sản phẩm không thể giảm giá để mở rộng tệp khách hàng thì khó lòng tạo nên được cuộc cách mạng gì trong ngành. Suy cho cùng, giới nhà giàu chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường chứ không phải tất cả.
Lấy ví dụ chiếc iPhone đầu tiên ra mắt được bán 499 USD cho bản 4GB và 599 USD cho bản 8GB vốn được đánh giá là quá đắt đỏ so với mặt bằng điện thoại chung thời kỳ năm 2017. Thậm chí CEO Microsoft là Steve Ballmer còn cười nhạo Apple trong lễ ra mắt iPhone vì mức giá quá cao này.
Nhận thức được sản phẩm của mình dù có gây nên cơn sốt nhưng cũng sẽ chẳng thể đi xa nếu không mở rộng tệp khách hàng ra đại chúng, Apple đã tung ra chiến lược mới cho dòng sản phẩm tiếp theo của mình, iPhone 3G.
Nhà táo khuyết đã hợp tác với hãng cung ứng dịch vụ di động để hỗ trợ giá bán cho khách hàng, qua đó nhà mạng có thể thu lại vốn và tiền lời qua bản hợp đồng 2 năm với người mua iPhone. Nhờ đó khách hàng Mỹ có thể mua iPhone 3G dung lượng 8GB chỉ với 199 USD, 16GB với 299 USD.
Nhờ chiến lược này mà doanh số của iPhone đã tăng hơn 1.000% ở Mỹ trong khoảng 2008-2015, trở thành sản phẩm bán chạy nhất thị trường.
Tờ Fortune nhận định sự trợ giá của nhà mạng là một ưu thế cực lớn trong nhiều năm với iPhone. Nhà táo khuyết đã gặp khó khăn ở thị trường Châu Âu khi không nhận được sự hỗ trợ này, khiến các dòng điện thoại Android bùng nổ thành đối thủ trong khu vực. Thay vì mua một chiếc iPhone 680 USD, người dùng có thể mua một chiếc smartphone Android có giá chưa đến 200 USD.
Apple dựa vào khoản hỗ trợ của nhà mạng hày trong khoảng 10 năm khi dòng iPhone 199 USD bị khai tử vào năm 2016. Tại thời điểm này, nhà táo khuyết chấp nhận cho người mua trả góp.
Phải đến năm 2017, Apple mới cho ra đời chiếc iPhone có giá 1.000 USD của mình. Dẫu vậy Apple vẫn duy trì được một hệ sinh thái iPhone đời cũ giá rẻ ở nhiều thị trường, qua đó tiếp tục phổ cập sản phẩm rộng rãi đến mọi người bất chấp giàu nghèo.
Như vậy, việc nâng giá của nhà táo khuyết là cả một quá trình dài, chậm rãi chứ không phải cứ tung ra một sản phẩm mới với giá cao ngất ngưởng là có thể thành công.
Tham lam lãi lớn
Chiếc smartphone gập đầu tiên ra mắt trên thị trường là Samsung Galaxy Fold vào năm 2019 với giá 2.000 USD. Trớ trêu thay là đã 4 năm trôi qua nhưng mức giá này chẳng thay đổi chút nào.
Dòng smartphone gập mới nhất của Samsung là Galaxy Z Fold 4 có giá 1.800 USD. Sản phẩm Pixel Fold của Google cũng có giá 1.800 USD, một con số khá cao dù công nghệ này đã phát triển được vài năm trở lại đây.
Dù chi phí sản xuất smartphone không hề rẻ và chiến lược bán hàng cao cấp của các doanh nghiệp khiến họ đẩy giá lên cao, nhưng liệu bao nhiêu người sẽ bỏ gần 2.000 USD để mua chiếc điện thoại gập khi họ đang dùng một chiếc iPhone có hiệu năng chẳng kém, chưa kể cả một hệ sinh thái của nhà Apple?
Theo tờ Nikkei Asian Review, chi phí các linh kiện trong chiếc Galaxy Z Fold 4 vào khoảng 670 USD, tương đương 38% mức giá bán ra. Giả sử không tính chi phí lắp ráp và những chi phí khác thì Samsung có đến 62% lợi nhuận khi bán mỗi chiếc smartphone gập này.
Để so sánh, nghiên cứu của Counterpoint Research cho thấy Apple tốn 474 USD chi phí linh kiện khi sản xuất mỗi chiếc iPhone 14 Pro Max, tương đương hãng sẽ nhận được khoảng 58% lợi nhuận trên mỗi thiết bị bán ra.
Điều này đồng nghĩa Samsung và những người chơi trong mảng smartphone gập có lợi nhuận nhiều hơn trên mỗi chiếc điện thoại bán ra so với Apple, và dư địa giảm giá của họ cũng lớn hơn nhưng các hãng lại không chịu làm như vậy.
Hạ giá để sinh tồn
Xin được nhắc là tốc độ người dùng chuyển đổi từ Android sang iPhone đang ở mức cao nhất 5 năm qua và Samsung hay Google vẫn chưa thể tìm được biện pháp tối ưu để ngăn chặn xu thế này.
Với việc Apple không còn những chính sách ưu đãi giá khi đã định vị được thương hiệu, tờ Fortune nhận định sản phẩm Android có thể thu hút hoặc giữ chân người dùng nhờ chiến lược giá cả hợp lý của mình.
Hiện giá của các smartphone gập được đánh giá là quá cao cho dù sản phẩm này có tiên tiến thế nào đi nữa. Dù doanh số vẫn ổn nhưng chúng chỉ là hạt cát trong tổng thị trường điện thoại thông minh.
Tất nhiên mọi chuyện vẫn chỉ là phỏng đoán, có thể những linh kiện cần thiết để làm smartphone gập là có giới hạn, nguồn cung không đủ cầu nên việc giảm giá là không thể. Ngoài ra, có thể Samsung cần giữ một dòng sản phẩm tiên tiến của mình ở mức giá cao nhằm cạnh tranh trong phân khúc hạng sang, hoặc đảm bảo hình ảnh thương hiệu.
Bất chấp điều đó, tờ Fortune cho rằng lịch sử ngành điện thoại thông minh đã chứng tỏ rằng nếu muốn một sản phẩm chiến thắng trên thị trường hoặc ít nhất là được sử dụng rộng rãi thì việc đầu tiên cần làm là hạ giá xuống.
*Nguồn: Fortune