Thông tin này được bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5 tại Hiroshima, Nhật Bản.
Bà Kristalina Georgieva cho rằng Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro và chịu tác động của dịch Covid-19.
Tổng giám đốc IMF nói thêm, việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn vừa qua. Tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng của kinh tế toàn cầu.
Trong dự báo đưa ra hồi tháng 2, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay khoảng 2,9%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Việt Nam với độ mở kinh tế lớn nên tăng trưởng kinh tế năm nay được nhìn nhận bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị.
Nhiều tổ chức, định chế tài chính đều điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay so với nhận định đưa ra trước đó. Chẳng hạn, WB dự báo GDP Việt Nam tăng 6,3%; ABD là 6,5%; Standard Chartered dự báo 6,5%. Với các mức dự báo này, tăng trưởng Việt Nam năm nay cao hơn 2 lần so với mức tăng toàn cầu.
Bốn tháng đầu năm nay, GDP tăng 3,32% khi chịu nhiều áp lực từ biến động kinh tế toàn cầu và các yếu tố nội tại nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế chưa dứt khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổ chức này tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng.
Bà Georgieva khẳng định IMF sẽ tư vấn lãi suất, chính sách tiền tệ, nâng cao năng lực tự chủ của kinh tế Việt Nam ứng phó với khủng hoảng.
Năm ngoái GDP của Việt Nam tăng 8,02%, mức cao nhất 10 năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD, và giá trị thương hiệu quốc gia là 431 tỷ USD.
Gặp Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị OECD hỗ trợ triển khai, thích ứng với các lĩnh vực mới, như thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn.
Tổng thư ký OECD cam kết tổ chức này sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt về xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Tổng thư ký mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm carbon (IFCMA) để đóng góp vào việc giảm thiểu carbon trên toàn cầu.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng năm 2024. Mức tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp thuế. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế này khi nó được áp dụng vào 2024. Bộ Tài chính hiện được giao cùng các bộ ngành nghiên cứu giải pháp thu hút, hỗ trợ khác ngoài thuế để khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu và dự án mới nếu áp loại thuế trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang ở Nhật dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 từ ngày 20-21/5.
Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.
Hoài Thu