Sau khi tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vừa chính thức trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, để Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tuần sau.
Nhà nước được góp vốn không quá 70% tổng mức đầu tư dự án
Theo đó, về quản lý đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thành phố thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).
Cụ thể ở đây là thành phố được sử dụng ngân sách để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
TP.HCM được áp dụng nhiều chính sách để phát triển giao thông. Ảnh: PLO.VN |
Theo Chính phủ, chính sách này sẽ huy động được nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mục đích tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.
Chính sách hiện được một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và rất thành công...
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định chính quyền TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và phương án tài chính sơ bộ dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, TP được tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư.
Chính sách này tạo điều kiện thành phố có cơ sở thực hiện thí điểm huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hệ thống đường bộ hiện hữu, tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam, hoàn chỉnh mặt cắt ngang Vành đai 2… với quy mô đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch được phê duyệt, đầu tư đường trên cao.
Việc cho phép tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70%, để tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân và đảm bảo tính khả thi thực hiện chính sách.
Không thực hiện chính sách đổi đất với dự án BT
Dự thảo Nghị quyết cho phép thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao); quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.
Điểm mới của hình thức dự án hợp đồng BT được đề xuất lần này so với trước đây TP từng triển khai là không thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất mà bằng tiền. Theo ban soạn thảo, nếu thanh toán bằng quỹ đất phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan và cần tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây. Do đó, dự thảo nghị quyết trước mắt quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền.
“Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo nghị quyết cũng quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai và thiết kế cơ sở được phê duyệt. Đồng thời giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT…” – Chính phủ cho hay.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết trên có hiệu lực từ ngày 1-7, thay thế nghị quyết 54/2012 của quốc hội và được thực hiện trong 5 năm.
TP.HCM được chuyển đổi dưới 500 ha đất lúa
Dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc đề xuất phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên là kế thừa Nghị quyết 54/2017 và có điều chỉnh quy mô diện tích đất lúa tối đa được quyết định chuyển đổi là 500 ha tương tự như chính sách Quốc hội đã cho phép áp dụng tại các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa.