Cơ sở sản xuất chả lụa hoạt động chui
Tối 20-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức cho hay ngay sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn chả lụa từ người bán dạo, cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở sản xuất chả lụa này đóng cửa và ngưng ngay hoạt động.
Cạn thuốc giải độc, các bệnh nhân ngộ độc botulinum được điều trị ra sao?ĐỌC NGAY
Theo kết quả điều tra, người bán dạo chả lụa gây ra các trường hợp bị ngộ độc botulinum xảy ra trên địa bàn là người làm công cho một chủ lò bánh mì.
Chủ lò bánh mì này đã lấy chả lụa tại một cơ sở sản xuất chả lụa ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.
Qua kiểm tra, cơ sở sản xuất chả lụa này hoạt động được gần hai tháng và không có bất kỳ giấy tờ đăng ký nào, cũng không có biển hiệu.
"Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu chả lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và đang chờ kết quả", vị đại diện này cho hay.
Theo vị này, hiện phòng đang chỉ đạo các phường trên địa bàn kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những cơ sở sản xuất giò chả, bún phở. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp người bán đảm bảo an toàn nhưng người sử dụng lại bảo quản không đúng cách.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là rất khó kiểm soát hàng bán online với danh nghĩa "thực phẩm nhà làm". Do đó, người dân cần chú ý hơn khi lựa chọn thực phẩm.
Chả lụa bắt đầu chảy nước
TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết chả lụa những gia đình mua từ người bán dạo bị ngộ độc botulinum đều có đặc tính bắt đầu chảy nước.
"Loại chả này được bao bằng ni lông rất kín, khi mở ra đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường, khi ăn vào rất có nguy cơ", TS Hùng cho hay.
Theo TS Hùng, mật độ vi khuẩn botulinum có khắp nơi xung quanh chúng ta, nhiều nhất là ở các phần đất cát. Tuy nhiên khi đặt nó trong môi trường yếm khí thì nó sẽ tái hoạt trở lại.
Tất cả các thức ăn nào khi chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì vi khuẩn này đều có khả năng phát triển.
Do vậy, khi chế biến thực phẩm tươi sống, chế biến các loại thức ăn đóng chai lọ thì ngay thời điểm đầu tiên phải làm trong môi trường sạch, không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt.
"Biện pháp khác có thể phòng tránh đó là sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5%, 5g muối/100g thức ăn. Ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn sử dụng thức ăn, thì chúng ta phải xem hạn dùng. Bên cạnh đó, nếu thấy những thực phẩm phồng lên một cách biến dạng hoặc không còn hương vị tự nhiên thì đừng ăn, mặc dù nó vẫn còn trong hạn sử dụng", TS Hùng lưu ý.
TS Hùng cho biết nếu một số thức ăn khác có thể sử dụng bằng chế biến nấu, nên nấu ở 100 độ C trong vòng 10 đến 15 phút thì hạn chế được chất độc botulinum, không đảm bảo 100% nhưng giảm rất nhiều nguy cơ ngộ độc.
Hết thuốc giải độc botulinum
Hiện tại các tỉnh phía Nam và cả nước đã cạn thuốc giải độc tố botulinum.
Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về để cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối năm lọ thuốc giải có giá 8.000 USD/lọ ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau ăn món cá chép muối ủ chua.
Mặc dù bệnh nhân được hỗ trợ thở máy và nuôi dưỡng, tuy nhiên kết quả không được mong muốn như khi sử dụng thuốc.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa cho biết có thêm ba trường hợp bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa của người bán dạo và một loại mắm ủ lâu ngày.
Xem thêm: mth.25673528102503202-iuhc-os-oc-ut-taux-nas-cud-uht-o-munilutob-cod-ogn-yag-aul-ahc/nv.ertiout