Mới đây, công ty mẹ của Công ty TNHH Parkson Việt Nam công bố thông tin sẽ tiến hành nộp đơn phá sản tự nguyện lên tòa án tại TPHCM vào ngày 28/4. Parkson từng là trung tâm mua sắm đình đám với thế hệ 7x, 8x.
Vang bóng một thời
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Parkson Việt Nam được thành lập ngày 1/11/2007 với vốn điều lệ 165,44 tỷ đồng. Chủ sở hữu của công ty này là Parkson Corporation SDN. BHD (Malaysia). Hiện người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là bà Bernadette Chong Yin Wah, quốc tịch Malaysia.
Thông tin về thị trường Việt Nam lần đầu xuất hiện trong báo cáo thường niên năm 2008 của Tập đoàn Parkson. Tháng 6/2005, chuỗi này mở trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên tại TPHCM với tên Parkson Saigon Tourist Plaza với kết quả tích cực. Đến năm 2008, Parkson có 4 TTTM tại Việt Nam.
Tập đoàn này đánh giá thị trường Việt Nam đầy tiềm năng khi tăng trưởng trên cửa hàng khoảng 30%. Tỷ suất lợi nhuận tại Việt Nam liên tục vượt so với mức bình quân chung của ngành, báo cáo này viết. Cũng cuối năm này, Parkson thâu tóm trung tâm thương mại tại Hải Phòng với giá 24,15 triệu USD.
Thị trường Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn bán lẻ Malaysia theo báo cáo thường niên năm 2009.
"Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn. Mặc dù có những thách thức ngắn hạn, nhưng triển vọng dài hạn của chúng tôi vẫn tích cực. Việt Nam có dân số trẻ và đang tiếp tục đô thị hóa, cùng với đó là sự gia tăng nhận thức về thương hiệu và nhu cầu về sản phẩm chất lượng tốt hơn của người dân. Do đó, chúng tôi tin rằng Parkson, là một trong ít những công ty nước ngoài tại đây sẽ có thể giành được thị phần cao hơn trong tương lai", báo cáo đánh giá.
Tháng 1/2010, tập đoàn của Malaysia cho biết đã đầu tư góp vốn 1 tỷ USD vào Công ty TNHH Parkson Hà Nội, nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 70%. Tính đến năm 2010, doanh thu tại Việt Nam dù chỉ đóng góp 4% vào doanh thu chung nhưng được xem là thị trường tiềm năng và sẽ được mở rộng đầu tư.
Năm 2012, mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn với tỷ lệ lạm phát cao nhưng tập đoàn này vẫn lên kế hoạch mở thêm 2 TTTM tại Việt Nam.
Lụi tàn
Từ báo cáo thường niên năm 2013, tập đoàn bán lẻ Malaysia bắt đầu công bố số lượng TTTM tổng tại thị trường Việt Nam và Myanmar. Giai đoạn 2014-2015, chuỗi có 10 TTTM tại 2 quốc gia.
Sang đến năm 2014, tập đoàn bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm tại thị trường Việt Nam.
Báo cáo ghi rõ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam gặp phải khó khăn khi tiêu dùng sụt giảm, kèm với đó là sự gia nhập của nhiều nhà bán lẻ mới tại Hà Nội và Hải Phòng. Các cửa hàng tại TPHCM vẫn ghi nhận được tăng trưởng tích cực dù cạnh tranh khốc liệt hơn trước.
Năm 2014, Parkson Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm 5% với doanh thu trên cửa hàng. Cũng năm này, tập đoàn này quyết định đóng cửa Parkson Landmark 72 tại Hà Nội vốn đã thu lỗ từ khi khai trương, ghi nhận mức lỗ 171 triệu RM (khoảng 900 tỷ đồng) do chấm dứt sớm hợp đồng thuê.
Từ năm 2016, Parkson bắt đầu thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam và Myanmar khi số TTTM chỉ còn 9 so với trước đây. Tăng trưởng doanh thu trên cửa hàng tại Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh sức mua yếu cùng với cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ.
Đến năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như kinh doanh kém hiệu quả, Parkson chỉ còn 4 TTTM tại Việt Nam. Doanh thu của chuỗi này liên tục sụt giảm chỉ còn 34 triệu RM (khoảng 179 tỷ đồng) năm 2020. Điểm sáng của năm 2020 là sự xuất hiện của Uniqlo, Muji sau khi Parkson Saigon Tourist Plaza được trùng tu lại, trở thành điểm đến ưa thích mới của giới trẻ TPHCM. Năm nay lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận lãi sau thời gian dài thua lỗ.
Cũng năm 2020, công ty mẹ của Parkson Việt Nam đã đồng ý bán trung tâm thương mại Parkson TD Plaza tại Hải Phòng cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thùy Dương với giá 10 triệu USD. Công ty TNHH Parkson Hải Phòng cũng giải thể. Đến hiện tại, trước giờ Công ty TNHH Parkson Việt Nam tiến hành nộp đơn phá sản tự nguyện, chuỗi bán lẻ đình đám một thời chỉ còn duy nhất TTTM tại Việt Nam là Parkson Saigon Tourist Plaza.