Ngày 20-5, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển(G7) đã ra tuyên bố chung, cam kết hỗ trợ Kiev, kêu gọi Trung Quốc (TQ) đóng vai trò trung gian để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, theo hãng tin Kyodo News.
Tuyên bố của G7 được đưa ra vài phút sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Tuyên bố viết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine để mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân để đạt “mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: KYODO |
Tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực để Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và giải quyết các vấn đề về Đài Loan một cách hòa bình.
Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho biết họ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.
Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định G7 “sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với TQ”.
Về kinh tế, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ khởi động một nền tảng để ngăn chặn những hành vi “ép buộc kinh tế nhằm theo đuổi các mục tiêu chính trị”.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi cung ứng đối với các vật liệu công nghiệp quan trọng (như chất bán dẫn) và cam kết chống thương mại đơn phương.
Tuyên bố chung cũng nhắc đến Triều Tiên, lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và kêu gọi nước này từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, Bắc Kinh đã phản ứng trước tuyên bố chung của G7 và gửi công hàm phản đối tới nước chủ nhà thượng đỉnh G7 là Nhật.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cáo buộc G7 “bôi nhọ, tấn công TQ và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ” của nước này.
Ông Uông lưu ý “vấn đề Đài Loan là vấn đề của người TQ”. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ, đóng góp cho luật biển quốc tế và nói rằng tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông “nhìn chung vẫn ổn định”.
Về “ép buộc kinh tế”, người phát ngôn TQ cho rằng Mỹ mới là “kẻ cưỡng bức kinh tế thực sự”. Ông kêu gọi G7 "không đồng lõa" với Mỹ trong vấn đề này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 20-5 cho rằng các quyết định được thông qua tại thượng đỉnh G7 nhằm theo đuổi mục tiêu ngăn chặn Moscow và Bắc Kinh, theo hãng thông tấn TASS.
“G7 đã đặt ra nhiệm vụ một cách to tát và công khai đó là đánh bại Nga trên chiến trường và loại bỏ Moscow như một đối thủ cạnh tranh địa chính trị” - ông nói thêm.
Ông Zelensky đến Nhật bằng máy bay của Pháp, trực tiếp dự thượng đỉnh G7
(PLO)- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại TP Hiroshima (Nhật) để tham dự trực tiếp hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời mời của Thủ tướng Fumio Kishida.