Tối 20.5, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, vụ ngộ độc botulinum nghi ăn chả lụa xảy ra trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) đang được cơ quan công an điều tra.
Theo thông tin ban đầu thì cơ quan chức năng đã truy ra được người bán chả lụa, bánh mì dạo và cơ sở làm chả lụa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc thịt heo mà cơ sở "chui" này sử dụng.
"Phải xem thịt heo được cung cấp từ đâu, quy trình sản xuất ra sao. Ban cũng đang phối hợp các cơ quan chức năng TP.Thủ Đức để làm rõ vụ việc", bà Phong Lan thông tin.
6 người bị ngộ độc botulinum nhập viện trong tuần qua
Trước đó, ngày 13.5, 4 dì cháu ở TP.Thủ Đức ăn chả lụa bánh mì mua của người bán dạo. Sau đó 1 ngày, 3 trẻ phải nhập cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nghi ngộ độc botulinum. Bệnh viện Chợ rẫy đã điều chuyển 2 lọ thuốc BAT giải độc botulinum cuối cùng từ Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam về để cứu 3 bệnh nhi. Đây là 2 lọ thuốc còn dư lại sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển ra Quảng Nam để cứu những bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn cá chép ủ chua hồi giữa tháng 3.2023.
Trong diễn biến liên quan, ngày 13.5, 2 bệnh nhân là anh em ruột (18 và 26 tuổi) ở TP.Thủ Đức ăn bánh mì chả lụa. Ngày 14.5, 2 bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng.
Ngày 15.5, bệnh nhân 18 tuổi có triệu chứng nặng như nhìn đôi, đau cơ, nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân 26 tuổi nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong ngày 15.5, 1 bệnh nhân nam 45 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân cho biết có ăn một loại mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP.HCM xác định có sự hiện diện của độc tố botolinum tồn tại.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Truởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thì cả 3 em bé nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 và 2 anh em ruột đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy đều ăn chả lụa chảy nước. Loại chả này được bao bằng bao ni lông rất kín, khi mở ra nó đã chảy nước và trong tình trạng mùi vị không bình thường.
"Như vậy chúng ta có thể nói rằng hơn 90% các trường hợp này là ngộ độc botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn", TS-BS Lê Quốc Hùng nói.
Hết thuốc giải độc botulinum
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc botulinum. Đây là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị. Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) loại thuốc giải độc giá đắt đỏ (6.000 USD/lọ).
Với một ca ngộ độc botulinum sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 - 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.
Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1 - 2 ngày sau khi ngộ độc, trong khoảng thời gian trung bình khoảng từ 5 - 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.
Tuy nhiên trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì chỉ có điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy.
Nhiều biến chứng có thể xảy ra do bệnh nhân thở máy kéo dài, bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân.