Ông nhận định gì về các quy chuẩn mới nhất trong phòng cháy, chữa cháy hiện nay?
Ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư về QCVN số 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh những vấn đề được tháo gỡ (so với QCVN số 06:2021), quy chuẩn này vẫn còn những bất cập.
Vấn đề tương tự cũng diễn ra tại một số văn bản pháp luật lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đã ban hành, cũng như công tác áp dụng quản lý trên thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Ông có thể lấy ví dụ cụ thể?
Chẳng hạn về công tác kiểm định thiết bị, vật tư, phương tiện phòng cháy chữa cháy, theo văn bản tham chiếu từ phụ lục VII - Nghị định 136/2020/NĐ-CP về Danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải kiểm định (thay thế cho Nghị định 79/2014), việc yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng trang thiết bị và năng lực nhà cung cấp dẫn đến việc nhiều chủng loại thiết bị (và cả vật tư) thuộc hệ thống phòng cháy, chữa cháy phải nhập từ các nước châu Âu khiến chi phí tăng cao, thủ tục đặt hàng và nhập khẩu phức tạp, mất nhiều thời gian từ khi đặt hàng chuyển tiền cọc đến khi sản phẩm được thông quan đưa về kho tập kết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập hợp đầy đủ hồ sơ gửi trình cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) kèm đơn đề nghị kiểm định. Sau thời gian thụ lý hồ sơ, tùy theo chủng loại/kích thước/đặc tính của thiết bị cần kiểm định mà cơ quan kiểm định cử đoàn xuống thực hiện nghiệp vụ tại kho của doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp phải vận chuyển thiết bị lên trụ sở cơ quan kiểm định, cá biệt có trường hợp là các thiết bị đặc thù (bơm, động cơ hệ thống...).
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) |
Trường hợp Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không có đủ trang thiết bị thì phải đưa đến đơn vị chuyên ngành (Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy Việt Nam, Học viện Cảnh sát nhân dân) để thực hiện nghiệp vụ kiểm định. Không những vậy, vấn đề còn nằm ở việc nhân lực phụ trách công việc này của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hạn (hiện chỉ có hơn 20 nhân sự), trong khi phải thực hiện công tác kiểm định trên toàn quốc .
Chu trình và thủ tục như trên đang là bất cấp rất lớn, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp và tổ chức liên quan.
Vậy còn quy định về khoang cháy thì sao?
Đây cũng là nội dung cần được tháo gỡ từ thực tiễn. Với nhà xưởng không tầng hay 2 tầng, các quy chuẩn hiện tại về không gian khoang cháy khung thép có thể chấp nhận được, nhưng với nhà xưởng từ 3 tầng trở lên là chưa phù hợp, bởi sẽ phải dùng phương án cột bê tông, sàn bê tông để đảm bảo thời gian chịu lửa, chống cháy theo quy định.
Thực tế, kết cấu khung thép có nhiều ưu điểm như thuận tiện, thi công nhanh, chịu lực tốt, chiều cao khoảng cách khoang tốt, dễ lắp đặt cẩu trục…, nhưng vì các tiêu chuẩn phòng cháy mà phải điều chỉnh thành kết cấu bê tông thì vừa phát sinh chi phí, vừa gây ra nhiều khó khăn về mặt giải pháp. Xu thế chung là tối ưu không gian, làm nhà xưởng nhiều tầng, nhưng các quy định về phòng cháy khiến chi phí xây dựng bị đội lên cao, cản trở các nhà đầu tư.
Quy định bảo vệ chống khói dường như cũng có bất cập?
Đối với nhà kho, nhà xưởng hạng D (hạng nguy hiểm cháy nổ) nhưng với các ngành nghề sản xuất liên quan đến vật tư, sản phẩm là vật liệu không bắt lửa như ngành cơ khí, sản xuất vật liệu gốm sứ… thì theo quy định vẫn phải có hệ thống thông gió và bảo vệ khói. Cụ thể, chiều ngang nhà xưởng trên 50 m phải có một điểm ống hút khói.
Quy định này khiến thực tiễn triển khai không chỉ làm phát sinh chi phí đầu tư, vận hành bảo trì về sau này, mà ngay trong quá trình thi công cũng phát sinh thủ tục về kiểm định vật liệu của hệ đường ống dẫn khí/khói nằm trong khoang cháy.
Doanh nghiệp bị tăng vốn đầu tư cũng như thời gian và chi phí để đạt được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Vậy còn việc “chồng lấn” giữa quy định mới - cũ mà một số doanh nghiệp phản ánh thì sao?
Có những doanh nghiệp thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp nên có sẵn biên bản thẩm định phòng cháy, chữa cháy và được cấp phép xây dựng, hiện đang thi công, nhưng khi quy chuẩn mới điều chỉnh thì cơ quan phòng cháy, chữa cháy không đồng ý nghiệm thu theo thẩm duyệt cũ.
Từ đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Song, nếu chỉ là điều chỉnh thẩm duyệt còn đơn giản, thực tế là nhiều dự án đang triển khai xây dựng, khi điều chỉnh thẩm duyệt thì không chỉ dừng ở vấn đề kiến trúc, mà còn liên quan đến kết cấu khoang cháy, tức phải điều chỉnh cả giấy phép xây dựng (trong khi dự án đang được xây rồi).
Điểm vướng nữa là quan điểm của cơ quan quản lý về xây dựng cho rằng, doanh nghiệp đã làm thẩm định phòng cháy, chữa cháy, bên quản lý xây dựng cũng đã cấp phép đúng quy định pháp luật nên không dễ cấp phép lại. Doanh nghiệp ở vào tình thế khó đáp ứng yêu cầu của cơ quản quản lý.
Điều đó có nghĩa là các dự án đang thi công dở dang và quy mô càng lớn thì sẽ càng khó xoay xở?
Đúng vậy. Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào guồng rồi và họ không thể dừng được, nhất là với các dự án lớn có mức đầu tư cả trăm triệu USD vì liên quan đến cam kết giải ngân của ngân hàng. Thế nhưng, các quy định về thẩm định, phê duyệt phòng cháy, chữa cháy lại rối như mớ bòng bong do liên quan đến quá nhiều bên, khiến cho nhà đầu tư mệt mỏi.
Để nhanh chóng xử lý dứt điểm các bất cập, theo ông, nên tiếp cận vấn đề như thế nào?
Mối lo của xã hội gia tăng khi có nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người, về tài sản là dễ hiểu, nhưng về quản trị tổng thể, nếu siết quá chặt một cách thiếu căn cứ và thực tế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Một số tiêu chuẩn của Việt Nam đang ngang bằng với các nước phát triển, nên chăng cần có lộ trình để phù hợp với mức độ phát triển, thực tiễn kinh tế - xã hội.
Thực tế là, các quy chuẩn của chúng ta đã khó áp dụng, lại còn lặp lại. Chẳng hạn, nhập khẩu thiết bị đã qua cơ quan hải quan kiểm định, đơn vị xuất nhập khẩu kiểm tra, đóng thuế đầy đủ, nhưng vẫn phải kiểm tra lại theo tiêu chuẩn Việt Nam, sau đó dán tem…, như vậy liệu có cần thiết? Hay như tiêu chuẩn kiểm định công cụ, thiết bị cũng ngặt nghèo, nếu sợ hàng giả thì nên có biện pháp khác, chứ không phải đi kiểm định rồi dán tem lại như hiện nay.
Tóm lại, chúng ta cần có giải pháp phù hợp với thực tiễn của bộ máy, nhân sự, thay vì phức tạp hóa nhiều khâu như hiện nay. Đặc biệt, các tiêu chuẩn kỹ thuật nên được xây dựng theo “mức độ” phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, kỹ thuật, thay vì đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, gây cản trở đầu tư.
Một ví dụ thực tế có thể nêu ra về việc quy định liên quan phòng cháy chữa cháy có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư hay kinh doanh của người dân doanh nghiệp là mới đây UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản số 240/UBND-ĐC2 về chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố, trong đó có đề cập “chỉ cấp phép an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất và đúng giấy phép xây dựng, môi trường”.
Từ nội dung trên, kết hợp với các quy định mới tại Bảng 6 - Về phân nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng của QCVN số 06:2022, khiến cho phần lớn tổ chức hoặc cá nhân đang thuê/sử dụng các mặt tiền tuyến phố là đất nhà ở (không phải đất thương mại - dịch vụ) với quy mô từ nhỏ đến lớn đều không có phương án tháo gỡ, từ đó không được cấp phép an toàn phòng cháy, chữa cháy (nói cách khác là hoạt động trái phép), kể cả các thương hiệu lớn như Winmart, Điện máy xanh, Thế giới di động… nếu là trường hợp thuê mặt bằng trên đất nhà ở đô thị.
Xem thêm: lmth.363123tsop-peihgn-hnaod-tehgn-pob-gnud-yahc-auhc-yahc-gnohp-hnid-yuq/nv.naohkgnuhchnahnnit.www