Cuộc họp sáng 20-5 của nhóm G7 đã thông qua sáng kiến chống các hành vi đe dọa và cưỡng ép bằng sức mạnh kinh tế. Sáng kiến cũng khẳng định G7 sẽ tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng thông qua "quan hệ đối tác trên toàn thế giới".
Cam kết chống cưỡng ép kinh tế
Trong thông cáo chung phát cùng ngày, các nước nhấn mạnh đang thống nhất hơn bao giờ hết trong quyết tâm giải quyết những thách thức toàn cầu hiện tại và đặt ra lộ trình cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Thông cáo chung cũng tóm gọn kết quả các cuộc họp trong ngày 19 và 20-5. Trong đó, lãnh đạo bảy nền công nghiệp hàng đầu thế giới cam kết "hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài nhất có thể".
Để đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế, G7 sẽ dựa trên việc đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác, loại bỏ rủi ro chứ không cô lập hay tách rời khỏi một quốc gia nào đó.
Đây là tuyên bố đáng chú ý, cho thấy mặc dù có những đánh giá tiêu cực, các nước G7 vẫn duy trì tinh thần hợp tác và can dự để giảm thiểu rủi ro.
Các nước cũng cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch trong tương lai thông qua hợp tác trong và ngoài G7, thông qua Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia JETP với G7 và đối tác G7.
Các nước cũng thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima vì an ninh lương thực toàn cầu tự cường. Đặc biệt, G7 cũng thống nhất thực hiện mục tiêu huy động tới 600 tỉ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua sáng kiến Đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGII).
Đây là hai trong số các kết quả đáng chú ý nhất ở hội nghị lần này. Các quốc gia, đặc biệt những nước đang phát triển, sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và minh bạch.
Thông điệp của Việt Nam
Chiều 20-5, lãnh đạo các nước G7 bước vào cuộc họp mở rộng với lãnh đạo tám nước và một số tổ chức quốc tế lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia hai phiên họp đầu tiên và có các bài phát biểu quan trọng, nhận được sự đánh giá cao và sự chia sẻ của nhiều lãnh đạo tại hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh chưa có tiền lệ hiện nay đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương. Đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay.
Thủ tướng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima vì an ninh lương thực toàn cầu tự cường, khẳng định Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để góp phần thực hiện tuyên bố này.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến PGII và đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược nhất là về giao thông.
Ông cũng ủng hộ sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC) của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 cùng đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai JETP một cách thực chất, hiệu quả.
Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc cân bằng giữa thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không 0 với bảo đảm an ninh năng lượng. Hôm nay (21-5) sẽ diễn ra phiên họp thứ ba của hội nghị G7 mở rộng với chủ đề "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Ngày 20-5, Hội nghị thượng đỉnh G7 bước sang ngày làm việc thứ hai. Sự kiện tại Hiroshima (Nhật Bản) bất ngờ thành tâm điểm chú ý sau khi có thông tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến dự trực tiếp.
Việt Nam có thể góp sức đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) tin rằng Tuyên bố Hiroshima về an ninh lương thực sẽ mở ra những sáng kiến và cam kết cụ thể hơn dành cho các chính phủ ở Nam bán cầu nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực, từ đó giảm nạn đói và suy dinh dưỡng.
Sau hơn một năm kể từ xung đột Nga - Ukraine, việc thông qua văn kiện sẽ là bước ngoặt góp phần giảm bớt những tác động của khủng hoảng và xa hơn là mang lại những tiến bộ lớn về an ninh lương thực trên toàn cầu.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (ĐH Fulbright Việt Nam) đánh giá Việt Nam sẽ có vai trò đáng kể cho việc thực hiện tuyên bố này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cho thấy sự nghiêm túc trong các cam kết quốc tế, ví như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều, chính vì vậy, nếu muốn đóng góp cho Tuyên bố Hiroshima, Việt Nam sẽ phải làm sao để vừa canh tác ít phát thải hơn mà sản lượng lại nhiều hơn.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại và sử dụng hiệu quả phân bón cũng như các giống lúa chất lượng cao. Sự hỗ trợ từ G7 và đối tác về tài chính, công nghệ cho Việt Nam sẽ góp phần quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo nhiều nước khác chiều 20-5.
Xem thêm: mth.68210208012503202-cat-poh-gnouc-gnat-av-aoh-gnad-ad-hnam-nahn-7g/nv.ertiout