Vào ngày 19-5, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã huy động lượng lớn nguồn điện mặt trời và điện gió với tổng sản lượng điện là 115 triệu kWh, trong tổng số 923 triệu kWh sản lượng điện và công suất nguồn được huy động là 44.620MW vào ngày này.
Đây cũng là ngày tiêu thụ điện kỷ lục được thiết lập, trong bối cảnh toàn hệ thống "căng mình" để huy động tối đa các nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trên cả nước.
Sản lượng điện tái tạo được huy động tới 12,5%
Như vậy, nguồn điện gió, mặt trời đã chiếm tới 12,5% - là mức cao hơn so với tỉ trọng đóng góp bình quân của nguồn năng lượng tái tạo trong 4 tháng đầu năm thường ở mức trung bình là 11,5%.
Trong bối cảnh việc huy động các nguồn điện căng thẳng, gần đây nhất EVN cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị việc hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới.
Theo EVN, trong tình trạng nguy cấp về cung cấp điện đã được báo cáo với Bộ Công Thương, tập đoàn đã có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, trong đó đề xuất phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ (không phát điện lên lưới - zero export) của khách hàng sử dụng điện.
Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo, EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện.
Đề xuất cơ chế hướng dẫn huy động điện áp mái
Ngoài ra, EVN đã có văn bản gửi các bên liên quan gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để vay than và xin ưu tiên cấp khí cho phát điện; đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiến nghị về việc tăng cường cung ứng than cho điện.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có văn bản gửi PVN và EVN, nhấn mạnh yêu cầu các bên tiếp tục phối hợp vì mục tiêu duy trì hệ thống điện quốc gia ổn định, tối ưu theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia nhằm cung cấp đủ điện.
Ủy ban đã đề nghị các bên trong khả năng kỹ thuật cho phép, điều tiết các nguồn khí cho hộ tiêu thụ công nghiệp khác (như đạm) cho sản xuất điện, đặc biệt vào tháng 5.
Thỏa thuận với các chủ mỏ khí về kế hoạch khai thác/mua khí để tăng sản lượng khí, nghiên cứu xây dựng cơ chế sử dụng khí LNG cho sản xuất điện để có thể nhập khẩu khí LNG bổ sung cấp cho sản xuất điện.
Thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay đã có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thống nhất được mức giá tạm thời.
Xem thêm: mth.55711458012503202-iort-tam-neid-oig-neid-nougn-cul-yk-cum-o-gnod-yuh/nv.ertiout