vĐồng tin tức tài chính 365

Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 2: Danh thơm lưu mãi bảng vàng

2023-05-21 14:45
Tượng quan đốc học Đỗ Trọng Vỹ đang thờ tại chùa Hàm Long  (TP Bắc Ninh) - nơi ông từng ở ẩn và góp phần trùng tu

Tượng quan đốc học Đỗ Trọng Vỹ đang thờ tại chùa Hàm Long (TP Bắc Ninh) - nơi ông từng ở ẩn và góp phần trùng tu

Sáng rõ mọi đường chính giáo

Chúng tôi được tiến sĩ Hán Nôm Lê Phương Duy, giảng viên Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), dẫn thăm Văn miếu Bắc Ninh. Ngay khi qua khỏi cổng tam quan, đập vào mắt là tấm bia đá kiểu bình phong rất lớn, tuyệt đẹp.

Theo tiến sĩ Duy, đây là bia trùng tu văn miếu năm 1928.

Bia này ghi rõ văn miếu được xây dựng nhằm tôn thờ các vị tiên triết, chấn hưng và khuyến khích thuần phong, văn học, duy trì điều tốt cho đời sau nhằm biểu dương những người xuất chúng phi thường, có học vấn, thông kim bác cổ, đỗ đạt lưu danh, cổ vũ sự nghiệp giáo dục, chấn hưng đạo đức cho hàng vạn năm.

Sau khi tham quan nhà tiền tế, dâng hương lên các vị tiền hiền ở hậu đường, chúng tôi đi xem bảo vật Kim bảng lưu phương, tức danh thơm lưu mãi bảng vàng, dựng tại hai nhà bia nằm ở hai bên.

Cả 12 tấm bia rùa cõng bằng đá thanh, cùng hình dạng, kích thước cao 110cm, rộng 75cm, dày 9cm, trán cong, trang trí đồ án lưỡng long chầu nguyệt.

Mặt bia thì khắc nội dung về khoa thi, họ tên, quê quán, học vị và chức tước của các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ. Diềm bên trái của mỗi bia có ghi khắc vị trí đặt của bia đó trong nhà bia.

Tổng cộng có 677 nhà khoa bảng của xứ Kinh Bắc xưa được khắc trên 12 tấm bia này. Với con số đó, Bắc Ninh được xác định có số lượng người đỗ đạt nhiều nhất trong số 25 văn miếu hàng tỉnh của cả nước.

Theo tiến sĩ Lê Phương Duy, điều đặc biệt của bia Kim bảng lưu phương chính là có khắc những nhà khoa bảng mà các văn bảng đăng khoa lục lẫn văn bia ở Văn miếu - Quốc tử giám không thấy ghi.

"Có nhiều vị tiến sĩ không thấy ghi chép trong các tài liệu đăng khoa lục hay bia Văn miếu - Quốc tử giám nhưng lại được khắc ở hệ thống Kim bảng lưu phương này. Do vậy, có thể nói Kim bảng lưu phương là nguồn tư liệu xác thực, đầy đủ bậc nhất, bổ khuyết cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử đất nước nói chung, đặc biệt là nền khoa bảng xứ Kinh Bắc" - tiến sĩ Duy nhận định.

Người làm nên Kim bảng lưu phương và góp phần tạo lập văn miếu tại vị trí hiện nay chính là quan đốc học Đỗ Trọng Vỹ (1829 - 1899).

Văn miếu Bắc Ninh được dựng dưới thời Lê, tại "sơn phận Thị Cầu", nay là xóm Dải Áo, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh. Năm 1889, quan đốc học Đỗ Trọng Vỹ cho khắc 12 bia đá Kim bảng lưu phương.

Đến năm 1893, cũng chính ông Đỗ Trọng Vỹ đã chuyển văn miếu về vị trí hiện nay trên đỉnh đồi Phúc Sơn. Điều này ghi rõ trên một tấm bia đề năm 1912, rằng:

"Bắc Ninh có bi đình là để thờ tự, tôn sùng các bậc tiên triết, chấn hưng văn phong, khuyến khích người hậu học. Văn miếu tỉnh ta vốn ở sơn phận Thị Cầu, lâu ngày bị hư hại/ Năm Quý Tỵ (1893), niên hiệu Thành Thái thứ 5 di chuyển về núi Phúc Đức, huyện Võ Giàng.

Thời kỳ quan đốc học tỉnh ta là Đỗ Trọng Vỹ, người xã Đại Mão, bàn với các văn thân tỉnh ta dựng bi đình ở trước cửa Văn miếu, bên phải bên trái đều dựng bia, khắc đá, bổ sung các vị đại khoa, các vị tiên triết, khoa thứ, quan tước, tính danh, húy hiệu của tỉnh ta để cho sáng rõ mọi đường của chính giáo...".

Bia Kim bảng lưu phương tại Văn miếu Bắc Ninh  - Ảnh: T.LỘC

Bia Kim bảng lưu phương tại Văn miếu Bắc Ninh - Ảnh: T.LỘC

Danh thơm lưu mãi bảng vàng

Chúng tôi ghé làng Đại Mão, nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), và tìm đến ngôi nhà xưa của vị quan đốc học Đỗ Trọng Vỹ trong một trạng cảm hành hương về nơi chốn của một vị "danh thơm lưu mãi bảng vàng". Căn nhà xây theo lối mới, nhưng bên trong thì hệ thống thờ tự, hoành phi, câu đối chữ Hán xưa vẫn còn gìn giữ.

Người hậu duệ Đỗ Trọng Tuyền cho biết căn nhà vốn là nơi ở nhiều đời trước của cụ tổ Đỗ Trọng Vỹ. Đến đời mình, cụ Vỹ xây dựng quy mô có nhà tiền tế, hậu cung để thờ tự tổ tiên. Cụ mua khu ruộng khoảng 5 mẫu làm hương hỏa.

Là người am tường địa lý, cụ chọn mua 2 sào đất tốt ở làng Rộng (nay là thôn Rực Vi, cùng xã Hoài Thượng), cách nhà chừng 1km, làm nghĩa địa gia đình, nay đang là nơi yên nghỉ của vợ chồng cụ cùng con cháu sau này.

Thời cải cách ruộng đất, người ta lấy hết ruộng nhà thờ họ Đỗ chia cho dân, chỉ chừa con cháu cụ Vỹ một vài sào. Còn khu nhà thờ phần thì bị phá, phần thì xuống cấp do thời gian và lụt lội... Đến năm 1991, con cháu cùng đóng góp xây lại căn nhà thờ, tôn cao nền và sưu tầm, bày biện những hiện vật, tranh ảnh gắn liền với cụ tổ như đang thấy ngày nay.

Theo "Đỗ gia thế phả, chi cụ Đỗ Trọng Vỹ" do hậu duệ cung cấp, họ Đỗ của cụ vốn mang họ Nguyễn. Cụ tổ đời thứ nhất chính là trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, vì lý do nhất định mà con cháu chuyển sang họ Đỗ.

Tài liệu này cho biết Đỗ Trọng Vỹ đỗ tú tài khoa Canh Tuất (1850), đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864).

Ông bắt đầu làm việc cho triều đình từ năm 1870, từng làm tri huyện, tri phủ, giữ chức án sát sứ tỉnh Cao Bằng, tuần phủ tỉnh Hưng Yên rồi lui về ở ẩn trong giai đoạn nền quân chủ rối ren.

Sau đó, cụ tiếp tục nhận lời ra làm quan đốc học tỉnh Bắc Ninh, vừa để truyền dạy học trò vừa dạy dỗ con cháu và làm nhiều công việc đóng góp cho đời.

Di sản rất lớn khác mà Đỗ Trọng Vỹ để lại chính là sách Bắc Ninh dư địa chí cụ viết trong giai đoạn ẩn dật. Đây được xem là tập đại thành về xứ Kinh Bắc, trong đó ông viết một cách đầy đủ và bài bản, từ bản sắc văn hóa, phong tục, nhân vật, danh thắng...

Phần dài nhất của sách ghi chép về các nhà khoa bảng của vùng đất này, gồm 586 vị đỗ đại khoa tiến sĩ, trạng nguyên và 161 vị đỗ cử nhân, trong suốt mấy trăm năm với cách trình bày vừa kỹ lưỡng, sinh động, hấp dẫn.

Các nhân vật lịch sử, các vị danh thần, võ tướng, hậu phi... tiêu biểu của vùng đất này cũng được ghi chép kỹ lưỡng. Phong tục tập quán của các phủ huyện của Bắc Ninh cũng được đề cập đầy đủ, sinh động ở cả hai mặt tốt, xấu...

Sách này từng bị thất lạc trong thời gian dài, đến khoảng năm 1997 thì được con cháu tìm lại được bản sao, được tổ chức dịch thuật, công bố trở thành tài liệu vô cùng quý giá của vùng đất Bắc Ninh văn hóa sâu dày.

Báu vật của các danh sĩ

Đó là bức hoành kiểu cuốn thư cổ sơn thếp treo trên tường nhà xưa, là quà tặng của những danh sĩ đương thời, cũng là bạn đồng môn, đồng khóa nhân khi cụ Đỗ Trọng Vỹ hồi hưu.

Theo bản dịch Đỗ Tuấn Anh, cháu đời thứ tư của cụ: "Bác tính chuyện an nhàn/Đương khi được kính tôn/Dưới thềm con hiển đạt/Trước gối cháu hiền nhân/Phúc ấm nhờ tiên tổ/Thảnh thơi chịu hoàng ân/Nho suy gia đạo vững/Trị loạn nền nhân còn/Cao nhã tìm thú ẩn/Nguy nan tỉnh mộng hồn/Đồng khoa mừng nhớ bạn/Thế phiệt phúc nhiều hơn".

Phần lạc khoản đề: "Tam nguyên thượng thư Nguyễn Khuyến, tiến sĩ thượng thư Dương Khuê, phó bảng tuần phủ Bùi Văn Quế, phó bảng tuần phủ Dương Danh Lập đồng bái"...

Biết rằng Đỗ Trọng Vỹ cùng cả bốn nhân vật kể trên đều là "trường hợp đặc biệt" trong số 24 người đậu của trường thi Hà Nội, khoa thi Giáp Tý năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Sách Quốc triều hương khoa lục của cụ Cao Xuân Dục viết: Nguyễn Khuyến, "ông cháu, cha con cùng thi đậu"; Đỗ Trọng Vỹ, "nhiều đời thi đậu"; Dương Khuê, "anh em, chú cháu cùng thi đậu"; Bùi Văn Quế, "cha con, anh em cùng thi đậu" và Dương Danh Lập, "chú cháu cùng thi đậu".

**************

Trên thân bảo vật quốc gia bộ chân đèn thời Mạc đang lưu ở Bảo tàng Hà Nội ghi rõ do Đặng Huyền Thông tạo tác vào năm 1582.

Người nghệ nhân tài hoa này đã tạo nên một dòng gốm có giá trị đặc biệt trong dòng chảy văn hóa mỹ thuật dân tộc...

>> Kỳ tới: Tác giả một dòng gốm đặc biệt

Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 1: Vị "công công" làm hai bảo vậtBí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 1: Vị 'công công' làm hai bảo vật

Nhiều bảo vật quốc gia có tuổi đời hàng thế kỷ, tưởng chừng tác giả là những nghệ nhân tài hoa "vô danh" hòa chung vào dòng chảy văn hóa Việt ngàn năm. Nào ngờ, nhiều hiện vật trong số ấy có cả tên tuổi người làm.

Xem thêm: mth.65220230112503202-gnav-gnab-iam-uul-moht-hnad-2-yk-aig-couq-tav-oab-mal-iougn-na-ib/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 2: Danh thơm lưu mãi bảng vàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools