Tịch thu từ vụ buôn bán trái phép
Bảo vật chân đèn hình trụ tròn gồm hai phần rời, lắp khít nhau, phần trên cao 28,5cm, đường kính 17cm và phần dưới cao 46,5cm, đường kính 22cm. Với tông màu xám xanh nghiêng về "cải úa", một vài chỗ điểm xuyết màu cam thẫm trông rất đặc biệt. Có nhiều hoa văn hình rồng cuộn, mặt rồng, cánh sen và lá đề cách điệu được bố trí đối xứng nhau kèm theo nhiều kiểu hoa văn "kỷ hà" trông rất đặc biệt.
Vai của phần chân đèn đắp nổi dòng chữ: "Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình". Một con rồng được đắp nổi cuộn tròn quanh khoang chính, miệng ngậm ô tròn đắp chữ nổi lớn "Thanh Lan tự" và các chữ chìm nhỏ "Thanh Lâm huyện", "Lai Khê xã".
Minh văn gồm 28 dòng khắc chìm, được bố trí xen kẽ ở phần uốn lượn của thân rồng, nội dung: "Hoàng đế muôn tuổi, thiên hạ thái bình, chúng sinh đều được nhận phúc thọ dài lâu. Thôn My Xuyên, chùa Thanh Lan, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm 5 người (cung tiến): Nguyễn Khắc Cán, Phạm Thị, Bùi Thị Đoạt, Nguyễn Thị Tòng, Đặng Thị Đường.
Xã Văn Phạm 7 người: Hoàng Khắc Tuân, Hoàng Khắc Miễn, Phạm Đạo Cộng, Phạm Chất, Phạm Khắc Hài, Đặng Văn Can, Phạm Thị Quyết. Các cụ già ở Mai Động, Xuân Sơn, Lương Tuần: Bùi Thọ Khê, Phạm Tây Xuyên, Phạm Đức Tề, Phạm Thọ Vực, Nguyễn Đính, Lương Thọ, Phạm Nhân Thọ.
Xã Đức Sơn: hộ chủ là nhà sư Tỳ khưu Nguyễn Đức Long, tự Tuệ Tín" (bản dịch của Bảo tàng Hà Nội). Đáng chú ý hơn cả là dòng ghi tác giả, quê quán kèm thời điểm tạo tác hiện vật. Đó là Đặng Huyền Thông, người ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, làm năm Diên Thành thứ 5, tức 1582, thời vua Mạc Mậu Hợp.
TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết "chân đèn vốn được thu giữ từ buôn bán trái phép". Hồ sơ hiện vật ghi, ngày 7-7-1992, Công an Hà Tĩnh đã chặn chiếc xe tải I Fa biển số 29E-8316 và phát hiện trên xe có rất nhiều hiện vật.
Hội đồng giám định của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao lúc ấy đã xác định phần lớn là cổ vật có nguồn gốc từ các di tích trong tỉnh Hà Tây. Sau khi xác định đúng các di tích xuất xứ để bàn giao hiện vật, ngày 1-8-1993, công an đã bàn giao số hiện vật còn lại gồm cả chân đèn cho Bảo tàng Hà Tây. Chân đèn được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào ngày 23-12-2015.
Nghệ nhân gốm xuất chúng
Cho đến ngày nay, các nhà chuyên môn thống kê được hiện còn hơn 20 hiện vật và thành phần hiện vật gốm ghi rõ họ tên người tạo tác là nghệ nhân tài hoa Đặng Huyền Thông. Khoảng 20 hiện vật khác, dựa vào các điều kiện, đặc điểm đủ để chứng minh do chính Đặng Huyền Thông làm nên.
Tại Việt Nam, các hiện vật nằm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một số đơn vị và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân trong nước. Ngoài ra, đồ gốm do Đặng Huyền Thông làm cũng được xác định có trong một số bảo tàng hay bộ sưu tập tư nhân ở Mỹ, Canada, Bỉ, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Ông chủ yếu tạo tác vật thờ như chân đèn, lư hương, mô hình tháp, bình, niên đại được xác định trong khoảng từ 1578-1590, thuộc vương triều Mạc.
Đặng Huyền Thông là nghệ nhân gốm xuất chúng, ông cùng gia đình đã nhận làm rất nhiều đồ thờ độc đáo, thành nên một dòng gốm riêng biệt, từ hình thức đồ vật, màu và cách phủ men, cách thức tạo tác, trang trí lẫn đề tài trang trí...
Đặc biệt là minh văn trên hiện vật thường ghi rõ tên tác giả, thời điểm làm, tên và quê quán những người đặt hàng và cơ sở thờ tự được dâng tiến... Khách hàng của Đặng Huyền Thông đủ mọi thành phần của xã hội, từ hoàng gia, giới thượng lưu, tu sĩ cho đến người bình dân.
Lịch sử nghề gốm Việt Nam từng ghi nhận sản phẩm có ghi tên tác giả và thời điểm tạo tác có từ trước thời Mạc. Đó là chiếc bình gốm Hoa lam (Chu Đậu), hiện vật của Bảo tàng Topcapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ghi do nghệ nhân họ Bùi, người châu Nam Sách làm năm Thái Hòa thứ 8 (1450).
Đến thời Mạc, điều này được chứng thực phổ biến thông qua "dòng gốm" của Đặng Huyền Thông. Minh văn trên các sản phẩm gốm cũng góp phần chứng minh một giai đoạn chấn hưng Phật giáo dưới thời Mạc, bổ sung tài liệu nghiên cứu về các ngôi chùa nói riêng và Phật giáo thời Mạc nói chung...
Gốc tổ Hưng Yên
Chúng tôi tìm về quê ông ở thôn Hùng Thắng, nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, cách TP Hải Dương vài cây số, nằm trong vùng gốm Chu Đậu từng phát triển rực rỡ dưới thời Lê. Hồ sơ di tích quốc gia đền thờ Đặng Huyền Thông (công nhận 24-2-2004) cho biết đền thờ này được chính quyền đầu tư xây mới vào năm 1990, sau đó tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện vào năm 1999 có một phần đóng góp của người dân Hùng Thắng...
Việc xây dựng nhằm thờ tự và vinh danh nghệ nhân Đặng Huyền Thông sau khi các nhà khoa học xác định Hùng Thắng chính là nơi ở và làm nên rất nhiều đồ gốm có giá trị đặc biệt của vị nghệ nhân này.
Dẫn chúng tôi tham quan đền thờ, người thủ từ Đặng Văn Kiện giới thiệu mình là con cháu nhiều đời của cụ tổ Đặng Huyền Thông. Ông Kiện cho biết trong một thời gian dài, người họ Đặng ở Hùng Thắng không rõ gốc gác ở đâu.
Đến khoảng cuối thế kỷ 19, nằm trong dòng người sang Tân Thế Giới (nhóm đảo ở Nam Thái Bình Dương) làm phu đồn điền cho thực dân Pháp, hai vị họ Đặng, một ở Hùng Thắng, một ở Đào Xá (nay thuộc xã Đào Dương, huyện Ân Thi, Hưng Yên) gặp gỡ kết thân. Khi về nước, họ phát hiện ra câu đối ở nhà thờ họ Đặng tại Đào Xá do người họ Đặng ở Hùng Thắng dâng lên nhà thờ gốc tổ mấy trăm năm trước.
Đó là đôi câu đối "Bát bách tự tiền tây Đào Xá/Khai hoa chi hậu Cổ Phường thôn" (tạm dịch: tám trăm năm về trước quê ở tây Đào Xá/Về sau mở nghiệp khai hoa ở thôn Cổ Phường). Nhờ đó, người ta xác định họ Đặng của Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng có gốc gác từ Đào Xá; dòng họ hai bên đã cùng nối kết. Lăng mộ của Đặng Huyền Thông sau đó cũng được tìm thấy ở quê xưa Đào Xá.
Qua những tài liệu ghi chép, nghiên cứu và câu chuyện lưu truyền trong dòng họ, hành trạng người xưa có thể được tóm lược: người họ Đặng nhiều đời trước đã từ Đào Xá sang Cổ Phường lập nghiệp bằng nghề gốm. Đến đời mình, Đặng Huyền Thông được ăn học và đỗ đạt, đậu tam trường nhưng không theo nghiệp quan mà chọn nghiệp gốm. Ông trở thành một người thợ tài hoa, rạng danh bằng những sản phẩm gốm đỉnh cao.
Đến những năm cuối của thế kỷ 16, nghề gốm vốn rất rực rỡ ở Nam Sách, Hải Dương có thể đã tụt dốc theo những biến động của xã hội cuối thời Mạc. Ngay cả người thợ gốm xuất chúng Đặng Huyền Thông cũng đành tìm về cố hương Đào Xá trú náu cho đến khi qua đời tại đây.
Mãi về sau, khi nghề gốm của cha ông đã chìm vào dĩ vãng, con cháu họ Đặng tiếp tục từ Đào Xá sang cố trạch của tổ tiên là Cổ Phường (nay là Hùng Thắng) tái lập nghiệp bằng nghề nông cho đến ngày nay...
********
Du khách đến tham quan hoàng cung Huế, vừa vượt qua một trong hai cổng cạnh kỳ đài để vào kinh thành bắt gặp ngay những cỗ đại pháo cổ thuộc hàng tuyệt tác...
Kỳ tới: Người làm Cửu vị thần công
Nhiều bảo vật quốc gia có tuổi đời hàng thế kỷ, tưởng chừng tác giả là những nghệ nhân tài hoa "vô danh" hòa chung vào dòng chảy văn hóa Việt ngàn năm. Nào ngờ, nhiều hiện vật trong số ấy có cả tên tuổi người làm.
Xem thêm: mth.62874639022503202-teib-cad-mog-gnod-tom-aig-cat-3-yk-aig-couq-tav-oab-mal-iougn-na-ib/nv.ertiout