Chiến lược gia người Scotland chưa bao giờ lý giải cụ thể. Dù vậy, nhưng giới chuyên môn bóng đá luôn ca ngợi sự chủ động của ông. Sau những giai đoạn thành công, các cựu binh thường sụt giảm động cơ thi đấu, và lối chơi cũng ngày một bắt bài.
"Ông ấy luôn muốn có những cầu thủ giàu khát khao trong đội bóng", Mikael Silvestre, người từng chơi bóng gần 10 năm dưới trướng HLV Ferguson, nói. Nhiều CLB sau này cũng học theo sự chủ động của Ferguson.
Nhưng khốn nỗi, đội tuyển quốc gia không phải là CLB - nơi thoải mái mua bán cầu thủ. Các HLV trưởng đội tuyển quốc gia thường khá khan hiếm những lựa chọn đủ tốt cho tôn chỉ bóng đá của mình. Cũng bởi vậy mà nhiều nền bóng đá hùng mạnh lại có những khiếm khuyết khó hiểu. Chẳng hạn vị trí thủ môn của tuyển Anh, hay tiền đạo cắm của tuyển Đức...
Nhìn rộng hơn, những đội tuyển quốc gia sau khi trải qua giai đoạn thành công cũng đều trải qua khoảng thời gian khủng hoảng dài tương tự. Bóng đá Pháp sau hai chức vô địch World Cup 1998, Euro 2000 lập tức chìm sâu ở kỳ World Cup và Euro tiếp theo.
Tây Ban Nha - với quãng thời gian ngự trị đỉnh cao còn dài hơn (vô địch liên tiếp hai kỳ World Cup và một kỳ Euro) đồng thời cũng "im tiếng" lâu hơn sau đó, với sáu năm liên tiếp không lọt vào bán kết một giải đấu lớn nào.
Ngay cả những nền bóng đá vùng trũng như Đông Nam Á cũng khó thoát được quy tắc này. Dưới thời HLV Kiatisak, bóng đá Thái Lan thành công rực rỡ giai đoạn 2013 - 2017 với liên tiếp ba HCV SEA Games, hai chức vô địch AFF cùng nhiều thành tích đáng nể tầm châu lục khác.
Nhưng sau khi Kiatisak rời đi vì không hoàn thành được lời hứa dự World Cup, Thái Lan lại chìm vào khủng hoảng trong ba năm tiếp theo. Họ chỉ dần gượng lại được với chức vô địch AFF Cup năm 2020.
Nỗi lo tương tự đến với bóng đá Việt Nam sau giai đoạn thành công rực rỡ kéo dài khoảng 5 năm trong tay HLV Park Hang Seo. Và nếu nhìn nhận từ những trường hợp của các nền bóng đá khác, có thể thấy rằng HLV Philippe Troussier đã khởi đầu công việc khá suôn sẻ, với chiếc HCĐ ở SEA Games 32 cùng một lối chơi tiến bộ sau từng ngày.
Thành tích của đội U22 cũng chưa phản ánh đầy đủ những gì ông Troussier có thể làm được với bóng đá Việt Nam. So với đội tuyển, những lựa chọn ở U22 càng khan hiếm hơn. Và việc có được một lứa cầu thủ đủ giỏi phụ thuộc nhiều vào may mắn. Ngay cả những nền bóng đá lớn như Hà Lan, Argentina cũng có thời gian dài không đào tạo ra được các ngôi sao trẻ giàu tiềm năng.
Động cơ thi đấu, chất lượng cầu thủ, và sức ép từ truyền thông, người hâm mộ sẽ luôn là những thách thức nhất thời mà một đội tuyển quốc gia phải đối mặt trong giai đoạn chuyển giao. Nhưng sau cùng, nền bóng đá vẫn sẽ sớm trở lại quỹ đạo phát triển nếu kiên trì với sách lược của mình. Sau giai đoạn thập niên 2000 khó khăn, bóng đá Pháp bùng nổ trở lại vào thập niên 2010.
Giờ đây, một chiến lược gia người Pháp là ông Troussier cũng cần thêm thời gian như vậy, để tái hiện "phép màu" mà ông từng làm được với các nền bóng đá ở châu Phi và Nhật Bản.
Phát biểu sau trận thắng U22 Myanmar 3-1 ở trận tranh HCĐ SEA Games 32, HLV Philippe Troussier cho rằng U22 Việt Nam chỉ thua đối thủ về kinh nghiệm.
Xem thêm: mth.26161348022503202-naig-ioht-meht-nac-reissuort-vlh/nv.ertiout